Cách làm trà sữa trân châu và thạch rau câu phô-mai
-
- Chuẩn bị
-
- Nấu/Nướng
-
- Chờ
- 1 giờ
-
- Khẩu phần
- 4 phần ăn
-
- Độ khó
- Công thức
Có một điều mà ngay cả bản thân mình cũng KHÔNG THỂ TIN NỔI. Đấy là tại sao SD tới giờ đã được gần 5 tuổi rồi mà vẫn chưa hề có hướng dẫn trà sữa trân châu tử tế. Quả thật là quá là lạ lùng với một con nghiện trân châu có thâm niên là mình luôn :P :P
Thật ra thì SD cũng đã có bài nói qua về cách làm trân châu rồi, nhưng cũng từ khá lâu và là hướng dẫn rất ngắn thôi, ở trong bài về cách làm chè Bo bo Cha cha nếu bạn nào còn nhớ (không biết món chè này giờ ở Việt Nam còn thịnh hành nữa không nhỉ?). Nhưng cũng chỉ có vậy thôi. Còn về sự kết hợp thần thánh giữa trân châu với trà sữa và thạch phô-mai thì chính thức tới ngày hôm nay mới có bản hướng dẫn đầy đủ và tử tế tại SD :)
Tự làm cả ba món trà sữa, trân châu và thạch rau câu nhân phô-mai đều không khó đâu, không khó một tí nào luôn ấy. Với tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhà thì mình nghĩ càng nên làm tại nhà để yên tâm là không bị ăn po-ly-me hay các loại hương vị pha trà độc hại cho sức khoẻ. Giá thành trà tự làm có lẽ là cũng rẻ hơn mua sẵn nữa. Độ ngon thì không thua gì cả, thậm chí còn hơn vì trân châu ở nhà vừa to vừa ngon, lại còn muốn ăn bao nhiêu có bấy nhiêu nữa. Khâu mất thời gian nhất chắc là làm trân châu thôi, vì phải nặn từng viên nhỏ một. Mình hay tranh thủ lúc ngồi xem phim thì nặn trân châu, nhất cử lưỡng tiện :D
Thôi không “tán nhảm” nữa, mình vào chủ đề chính luôn nhé. Video hướng dẫn cách làm đầy đủ đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days như mọi khi. Ở dưới video là công thức đầy đủ kèm theo một số giải thích và ghi chú thêm của mình. Các ghi chú này khá quan trọng và sẽ giúp các bạn tránh thất bại khi làm món đồ uống này nên đừng bỏ qua nhé.
Nếu không xem được video tại blog, các bạn có thể xem trực tiếp trong link này nhé. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này.
CÁCH LÀM TRÀ SỮA TRÂN CHÂU & THẠCH RAU CÂU PHÔ-MAI
Nguyên liệu
A. Phần thạch rau câu
- 1 hộp pho-mát bò cười
- 150 ml (2/3 cup) nước cà phê
- 150 ml (2/3 cup) nước pha sy-rô dâu
- 150 ml (2/3 cup) nước cam hoặc chanh leo
- 150 ml (2/3 cup) nước pha chiết xuất lá dứa
- 2 thìa cafe bột thạch Agar hoặc bột Jelly
- Đường tuỳ khẩu vị (khoảng 20 – 30 gram/ 1~2 Tbsp cho một phần thạch)
B. Phần trà sữa
- 6 túi trà đen hoặc trà xanh dạng túi lọc
- 1.2 lít (khoảng 5 cups) nước sôi
- 100 gram (3.5 oz.) sữa đặc có đường (sweetened condensed milk)
- 1 thìa canh (1 Tbsp) bột sữa (milk powder) (không bắt buộc)
- đường tuỳ khẩu vị
C. Trân châu
- 90 gram (3/4 cup) bột năng (tapioca starch)
- 10 gram (1 Tbsp) bột gạo tẻ (rice flour/ rice starch)
- 15 gram (2 Tbsp) bột ca cao nguyên chất (cocoa powder)
- 20 gram (1.5 Tbsp) đường
- 70 – 80 ml (1/3 cup) nước sôi
(*) Ghi chú về nguyên liệu
1. Về các phần nước có màu để làm thạch: các bạn có thể làm từ nguyên liệu tự nhiên hoặc pha nước với màu thực phẩm, hương liệu của các hãng lớn và đáng tin cậy như Wilton, Americon color… Mình đã giới thiệu cách làm màu thực phẩm từ nguyên liệu tự nhiên trong bài này viết này, nếu cần thì các bạn tham khảo nhé.
Các loại nước mình dùng trong video gồm:
- nước pha với cà phê phin (các bạn có thể dùng bột cà phê tan cũng được)
- nước pha với sy-rô dâu (sy-rô dâu nhà làm, mình sẽ đăng công thức sớm)
- nước chanh leo pha với nước cam
- nước pha với chiết xuất lá dứa (dùng nước vắt từ lá dứa tươi cũng được nhưng màu nước lá dứa tự nhiên thường hơi nhạt).
Bạn có thể chuẩn bị nước có màu và hương liệu khác tuỳ thích nha.
2. Mình dùng bột rau câu Agar để làm thạch. Bột Agar cho thạch có vị cứng và giòn. Bạn hoàn toàn có thể đổi loại bột thạch hay chất tạo đông khác theo ý thích nhé. Ví dụ như ở Việt Nam mình thấy có loại bột Jelly cho thạch mềm dẻo. Hoặc bên cạnh bột Agar, có thể dùng thêm gelatin để làm cho thạch mềm và dẻo hơn nhưng vẫn có độ cứng giòn… Trên các gói làm thạch thường có ghi lượng bột cần dùng, các bạn có thể dựa vào đây để tính lượng bột thạch cần dùng cho công thức.
3. Để trà sữa có vị thơm và béo của sữa, mình thường dùng sữa đặc và sữa bột. Mình không pha sữa tươi do độ béo của sữa tươi không bằng sữa đặc. Nhưng mình cũng không dùng quá nhiều sữa đặc vì sẽ dễ át mất mùi trà.
Bột sữa là thứ mình thường thêm vào để trà có vị béo và thơm của sữa trong khi không bị mất vị trà. Một vài công thức dùng kem tươi (whipping cream) nhưng mình nghĩ là không nên bởi khi để lạnh, chất béo trong kem tươi sẽ tạo váng trên mặt trà, nhìn không được đẹp mắt lắm. Nhìn chung thì khi dùng sữa bột, sữa đặc, đường và trà pha cùng nhau, mình thấy mùi vị của trà rất thơm ngon, không kém gì ngoài hàng cả.
Sữa bột này các bạn có thể dùng loại hay thương hiệu nào cũng được. Như trong siêu thị tại Đức, Bỉ và Hà Lan thì mình hay mua sữa bột để ở quầy bán sữa để pha cà phê. Sữa này chỉ đơn giản là sữa tươi được chế biến thành dạng bột, rẻ hơn khá nhiều so với sữa bột pha cho em bé.
4. Phần bột gạo tẻ trong công thức trân châu giúp cho trân châu có vị giòn, mình thấy rất giống vị giòn dai của trân châu ngoài hàng. Nếu không có bột gạo thì trân châu sẽ vẫn dai nhưng mềm. Tuỳ khẩu vị mà các bạn lựa chọn nhé.
Cách làm
A. Làm thạch rau câu nhân phô-mai
1. Để riêng từng phần nước cà phê, nước sy-rô dâu, nước chanh leo và nước lá dứa vào trong các bát. Hoà ½ thìa cafe bột Agar vào từng bát, để tối thiểu 1 giờ cho bột nở. Việc ngâm bột thạch trong 1 giờ này sẽ giúp thạch rau câu không bị chảy nước sau khi đông.
* Lưu ý: Tất cả các loại nước trên đều phải nguội khi pha bột Agar vào.
2. Cắt pho-mát bò cười thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Xếp pho-mát bò cười vào các ô của khay làm đá viên. Nếu không có khay, bạn có thể xếp pho-mát vào hộp hay khay vuông, để chừa khoảng cách 1.5 – 2 cm giữa các viên pho-mát.
3. Quấy đều một phần nước ngâm bột thạch, đổ vào nồi. Đun ở lửa to. Quấy liên tục trong khi đun. Khi nước bay hơi rồi bắt đầu sôi lăn tăn thì bắc khỏi bếp (lúc này bột thạch đã tan hoàn toàn). Nêm đường cho vừa ăn, quấy cho đường tan hết. Với mỗi phần nước trong công thức, mình dùng 20 – 30 gram đường tuỳ độ đắng hay chua của nước.
4. Đổ thạch vào khay. Hớt bọt trên mặt thạch nếu có. Phần thạch còn dư đổ ra bát hoặc hộp vuông để làm thạch không có nhân.
5. Làm tương tự với các phần thạch còn lại.
6. Khi thạch nguội và tương đối đông thì để thạch vào tủ lạnh tới khi thạch đông cứng hẳn (mất khoảng 1 giờ).
B. Làm trà sữa
1. Cho các túi trà vào bình, đổ nước sôi để hãm trà.
2. Khi nước trà còn ấm nóng, cho sữa đặc và sữa bột vào, quấy đều cho sữa tan. Lượng sữa đặc có thể thay đổi tuỳ khẩu vị nhưng không nên cho quá nhiều, vị sữa sẽ át vị trà. Nên dùng sữa bột vì sữa bột giúp cho trà có vị béo ngậy và thơm hơn và không át đi mùi trà quá nhiều như sữa đặc.
3. Thêm đường tuỳ khẩu vị. Quấy cho tan đều. Để trà nguội rồi để ngăn mát tủ lạnh tới khi dùng.
C. Làm trân châu
1. Cho bột năng và bột gạo tẻ vào bát, trộn đều rồi lấy khoảng 1 – 2 thìa canh (10 – 20 gram), để riêng. Phần bột này ta sẽ dùng để làm bột áo chống dính khi nhồi và nặn bột.
2. Rây bột cacao và đường vào bát, trộn thật đều.
3. Từ từ đổ nước sôi vào bát, vừa đổ vừa quấy liên tục. Khi bột quyện thành một khối thì không cho thêm nước nữa. Đợi bột nguội bớt rồi dùng tay nhồi nhẹ nhàng. Thêm bột áo nếu bột quá ướt và dính (dùng phần bột để riêng ở bước 1). Nhồi tới khi chúng ta có một khối bột mềm dẻo, hầu như không dính tay.
* Lưu ý:
– Bắt buộc phải dùng nước sôi. Nếu nước không đủ nóng, bột sẽ bị chảy nhão.
– Lượng nước có thể thay đổi tuỳ loại bột. Nên cho nước từ từ từng chút một và theo dõi, khi bột bắt đầu quyện thành khối thì dừng lại. Nếu lỡ tay cho quá nhiều nước thì chỉ cần thêm bột năng cho tới khi bột dẻo, không dính tay là được.
– Bột gạo trong công thức giúp cho trân châu có vị dai giòn và hơi cứng một chút. Nếu không có bột gạo trân châu sẽ vẫn dai nhưng mềm hơn. Các bạn có thể thử cả hai loại để chọn loại hợp với khẩu vị của mình hơn nhé.
4. Ngắt từng mẩu bột nhỏ, viên thành viên tròn nhỏ đường kính khoảng 0.8 – 1 cm. Bạn có thể xoa ít bột năng lên tay để chống dính. Làm tới khi hết bột.
5. Đun sôi một nồi nước to. Khi nước sôi mạnh thì thả tất cả bột vào luộc ở lửa to. Dùng thìa quấy nhẹ cho bột không bị dính vào nhau hay dính vào đáy nồi. Khi bột nổi lên mặt nước thì hạ lửa vừa, đun thêm khoảng 1 – 2 phút tới khi bột mềm thì vớt bột ra.
6. Thả bột vào bát nước nóng. Ngâm bột trong nước nóng khoảng 5 – 7 phút rồi vớt ra thả vào bát nước ở nhiệt độ phòng. Việc làm này giúp cho trân châu mềm lâu hơn nhưng vẫn đủ giòn, và đặc biệt là không bị cứng lại khi thả vào trà lạnh. Nếu muốn trân châu rất dai và giòn thì sau khi ngâm nước nóng, bạn có thể thả trân châu vào bát nước lạnh. Nhưng với trân châu kiểu này, khi thả vào trà nên dùng luôn, nếu không trân châu sẽ cứng lại rất nhanh.
* Ghi chú:
– Trân châu đã luộc xong có thể để trong bát nước, để ở nhiệt độ phòng và dùng trong ngày. KHÔNG để trân châu trong tủ lạnh vì sẽ làm trân châu bị cứng. Tương tự, KHÔNG được cho trân châu vào trà rồi để tủ lạnh vài giờ vì trân châu sẽ cứng lại.
– Nếu muốn để trân châu (đã luộc) qua ngày thì vớt trân châu ra khỏi nước. Bỏ vào hộp đậy kín để tủ lạnh. Khi dùng lại thì luộc lại trân châu như bước (5) ở trên. Tuy nhiên thời gian luộc sẽ ngắn hơn một chút và khi vớt trân châu ra có thể thả vào bát nước nguội luôn (bỏ qua bước ngâm nước nóng).
– Các bạn có thể làm trân châu nhiều vị khác nhau dựa theo công thức trên. Ví dụ:
- Trân châu vị trà xanh: Thay bột ca cao bằng bột trà xanh
- Trân châu vị dâu: Pha 1 – 2 thìa sy-rô dâu vào nước, đun sôi rồi dùng. Có thể thêm màu thực phẩm đỏ tuỳ thích.
D. Thưởng thức
1. Gỡ rau câu đã đông cứng ra khỏi khuôn. Cắt thành miếng nhỏ vừa ăn nếu dùng khuôn là hộp lớn. Lưu ý: để trân châu không bị chảy nước, ngoài việc cần ngâm bột Agar nở trong khoảng 1 giờ thì nên để thạch trong khuôn tới khi dùng mới gỡ ra. Thạch gỡ ra sớm (và cắt miếng sớm) sẽ dễ bị chảy nước hơn.
2. Cho trân châu, thạch vào cốc. Đổ trà sữa. Dùng lạnh.
87 phản hồi tới Cách làm trà sữa trân châu và thạch rau câu phô-mai
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Mười Hai 18, 2018 vào 11:48 sáng #
Chị Linh trang cho e hỏi chút là trân châu của em khi cho vào trà sữa và thêm đá nhanh bi cứng lại ạ. Có cách nào làm trân dâu dai và mềm không vậy chị. Em cảm ơn chị!
Tháng Mười Hai 20, 2018 vào 5:02 chiều #
Sau khi trân châu chín, em có thể ngâm trân châu trong nước ấm một lúc nhé. Nhưng trân châu mà để lâu trong đá lạnh thì kiểu gì cũng sẽ cứng lại em ah.
Tháng Sáu 5, 2017 vào 5:11 chiều #
Chị ơi cho em hỏi 6 túi trà là bao nhiêu gam ạ, em ko dùng trà túi lọc nên ko biết được ạ
Tháng Tư 27, 2017 vào 11:27 chiều #
Cho em hỏi dùng sữa bột cho trẻ để pha chế có được không ạ :) mong c phản hồi
Tháng Tư 29, 2017 vào 9:32 chiều #
Mình xin trả lời dùm chị Trang nhé. Có thể sử dụng được bạn ah, mình cũng đã từng pha thử 1 lần rồi, béo và thơm lắm ý
Tháng Ba 27, 2017 vào 4:11 chiều #
Chị ơi, em vừa làm trân châu theo ct của chị. ban đầu mới ăn thì nghe mùi cacao hơi nồng (chắc do ăn ở ngoài k có cacao quen rồi) thì không thích lắm. Nhưng mà càng ăn càng ghiền =]]]]
Hôm trước em làm 1 mẻ, nhờ mẹ phụ vo viên thì thấy cũng nhanh. hôm sau rảnh quá làm luôn 1 lần 2 mẻ (tức 200gr bột) vừa ngồi xem film vừa vo mà hơn 2 tiếng mấy huhu. Phê ơi là phê nhưng mà đáng chị ạ.
Sau khi vo thì em bỏ tủ đông, khi nào muốn ăn thì đem ra rã đông rồi luộc lên, vẫn ngon như thường :D
Cảm ơn chị nhiều nha
Tháng Ba 26, 2017 vào 10:28 sáng #
Thành công rực rỡ luôn chị Trang ơi :D Em lười quá nên chỉ làm trân châu với thạch cà phê thôi mà cũng ngon ngất ngây. Nhà e có hộp trà bạc hà em thử dùng pha trà sữa xem sao, kq hương vị quyến rũ cực chị ạ. Lần đầu làm trà sữa em thất bại ê chề vì k có trà á, nhưng giờ nó ngon tuyệt vời, e muốn đựng vô bình nước mang tới lớp uống :) Cảm ơn ct của chị nhiều.
Tháng Hai 24, 2017 vào 9:35 chiều #
chị ơi sao em lần đầu thì được nhg sao lần sau em làm lại bột cứ chảy ra k cho nhào đc em đã cho ít nc rồi ạ
Tháng Hai 24, 2017 vào 10:04 chiều #
nước lần sau của em không đủ nóng em ah, trong bài chị có ghi chú rồi
Tháng Hai 14, 2017 vào 7:29 chiều #
Chị ơi e muốn hỏi e dùng trà lipton hòa tan pha trà đc k ạ?Mà nhà e có trà khô thái nguyên thì mình dùng làm trà có đc k c? E cảm ơn c nhiều nhé.
Tháng Hai 15, 2017 vào 8:14 sáng #
trà Thái nguyên chắc nên pha loãng một chút em ah
Tháng Mười Một 20, 2016 vào 2:38 chiều #
C ơi cho e hỏi là e muốn làm trân châu màu hồng thì e giữ nguyên công thức (có cả cacao) rồi fa nước có syro dâu fải k ạ. E đã thử 2 cách có và k có cacao nhưng cái có cacao thì k có màu hồng còn cái k có cacao thì e tăng bột năng nhưng nó nhão k thành 1 khối dẻo @@
Tháng Mười Một 25, 2016 vào 6:03 sáng #
cái không có cacao bị hỏng là do nước chưa đủ nóng em nhé
Tháng Ba 10, 2017 vào 1:11 sáng #
Linh Trang ơi. Khi mình nấu thạch bạn cho bột agar trộn chung vào đường trộn đều sau khi nước sôi Trang cho hỗn hợp vào và đảo đều vài phút là xong. Làm vậy nhanh mà ko hề vón cục.
Tháng Mười Một 16, 2016 vào 1:53 chiều #
Blog hướng dẫn rất chi tiết và tận tâm cảm ơn add
Tháng Tám 3, 2016 vào 9:50 chiều #
Chị trang ơi, nếu em dùng trà gói thì dùng bao nhiêu gam trà ạ. Em cảm ơn
Tháng Bảy 27, 2016 vào 12:34 sáng #
Chị ơi cho em hỏi 1 câu ngoài lề ạ. Em có một gói bột matcha milk. Chị có biết cách làm matcha đá xay giống ngoài hàng k ? Có thể sữa bột nguyên kem k và bao nhiêu tsp cho khoảng 1 cup sữa ạ? Cảm ơn c
Tháng Bảy 20, 2016 vào 12:39 sáng #
Chị Trang ơi em luộc trân châu theo công thức của chị thì thấy bên trong vẫn bị cứng nên em luộc thêm khá lâu nữa nhưng lấy ra cuối cùng vẫn bị cứng, em không hiểu em sai ở đâu nữa chị thử giúp em với được không ạ? Em cảm ơn chị nhiều!
Tháng Bảy 7, 2016 vào 5:30 chiều #
Chị ơi 6 gói trà túi lọc với 1.2l nước có bị nhiều nước quá không chị?.nếu e dùng trà đen dạng lá thì công thức thế nào vậy chị?.với lại chị cho e biết dùng loại bột sữa nào ngon chị nhe. E cám ơn chị
Tháng Sáu 26, 2016 vào 4:33 chiều #
Chị Trang ơi. Trân châu em làm khi ăn ngay thì rất ngon, dai và giòn. Nhưng để ngâm trong nước vài tiếng sau là trân châu bị mềm rồi, để tủ lạnh ngày hôm sau luộc lại cũng không được dai và giòn nữa. Như vậy là bị làm sao hả chị?
Cảm ơn chị về bài viết ạ!
Tháng Sáu 26, 2016 vào 5:30 chiều #
Có thể do trân châu của em vốn đã mềm rồi, nên ngâm lâu trong nước càng làm trân châu mềm hơn. Em thử vớt trân châu ra ngoài xem sao nhé, nếu muốn để qua ngày cũng cần để trân châu ở ngoài, không ngâm nước.
Tháng Sáu 29, 2016 vào 4:03 chiều #
Trân châu để qua ngày em cũng ko ngâm nước đâu ạ. Để lần tới em thử trộn bột khô hơn xem sao. Em cảm ơn chị nhiều ạ!
Tháng Sáu 17, 2016 vào 4:12 chiều #
Chị Trang ơi, cho em hỏi, nếu muốn làm trân châu số lượng nhiều thì mình có thể nhào bột bằng máy được k ạ?
Tháng Sáu 8, 2016 vào 11:07 chiều #
Chị ơi cho em hỏi, em làm thạch phomai bằng bột rau câu dẻo, phomai con bò cười tam giác, mà làm xong để được nửa ngày trong tủ lạnh là phomai k còn mềm nữa, mà cứng cứng sật sật, hết béo mất. Chị có cách nào làm phomai mềm, béo lâu k chị?
Tháng Sáu 9, 2016 vào 7:56 chiều #
cái này có thể do bản thân loại thạch mà em dùng gây ra, em thử để thạch ra ngoài tủ lạnh một lúc xem thạch có mềm hơn không nhé
Tháng Sáu 1, 2016 vào 8:34 chiều #
Chào Trang! chị muốn hỏi trân châu này có thể vò viên sẵn, để tủ lạnh, hoặc tủ đá khi nào dùng thì mới luộc được không em. Trong bài trà đào trân châu, chị thấy em có nói là làm cách này được, vậy không biết trân châu theo công thức trà sữa này có được không
Tháng Sáu 5, 2016 vào 4:50 sáng #
em có thử để ngăn mát tủ lạnh thì dùng sau 1 – 2 ngày thấy không vấn đề gì, như em có ghi trong bài, ngăn đá thì em chưa thử bao giờ ạ.
Tháng Năm 29, 2016 vào 8:29 chiều #
chị ơi cho e hỏi nếu khi luộc trân châu theo côg thức của chị xong thì thay vì e bỏ trân châu vào nước lạnh thì em bỏ trân châu vào nước đường được không ạ? trân châu có bị cứng lại không chị?
Cảm ơn chị về bài viết và clip nhiều lắm.
Tháng Năm 31, 2016 vào 4:52 chiều #
được em nhé, nhưng trong ct là chị bỏ vào nước nóng chứ ko phải nước lạnh nhé.