[VIDEO] Cách làm mochi kem trà xanh

    • Chuẩn bị
    • Khẩu phần
    • 18 viên
    • Độ khó

Là fan của các thứ dai dai, dẻo dẻo, giòn giòn, nên mochi kem đương nhiên có mặt trong danh sách các món ăn yêu thích  “mọi thời đại” của mình. Tuy kem lạnh dường như hợp với mùa hè hơn, nhưng mochi kem thì ăn vào mùa nào, thời tiết nào cũng đều thấy ngon hết :D Làm mochi lại không hề khó, nếu dùng lò vi sóng thì thời gian nấu bột rất nhanh, chỉ vài phút, nên thay vì bỏ ra vài chục hay vài trăm nghìn để mua mochi kem từ hàng, chúng mình hoàn toàn có thể tự làm được, cả kem cả vỏ với các mùi vị theo sở thích.

Thật ra thì trước đây mình không tin lắm là có thể tự làm vỏ mochi ngon. Lý do chủ yếu ở phần vỏ, hẳn phải có bí quyết nào đó để vỏ mochi vừa mềm, vừa dẻo lại vừa hơi giòn được như mochi mua ngoài tiệm. Xem cách làm của người Nhật thấy chỉ có bột nếp và nước còn hơi nghi ngờ sao lại dễ thế. Nhưng tới khi tự mình làm thử mới thấy hoá ra nó đúng là dễ như vậy thật. Vỏ mochi không cần pha nhiều nguyên liệu cầu kì, miễn là sau khi làm xong thì để tủ đá luôn, khi ăn mới rã đông thì sẽ tự mềm, dẻo và giòn. Còn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì vỏ sẽ nhanh bị khô và cứng.

Tại SD trước đây mình đã giới thiệu công thức mochi kem sầu riêng rồi, lần này là vị trà xanh với cách làm nhanh gọn và công thức cơ bản nhất, hình như ở Hà Nội mấy hôm nay vẫn đang rất oi nóng, nếu bạn cũng là fan của các loại đồ ăn mềm, dẻo, dai giống mình thì cuối tuần dành chút thời gian thử làm món tráng miệng rất ngon này chiêu đãi cả nhà nhé ;)

Video hướng dẫn cách làm mochi kem trà xanh đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được tại website thì các bạn có thể xem trực tiếp trên YouTube theo link này nhé. Video có chế độ HD, hướng dẫn cách bật HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

CÁCH LÀM MOCHI KEM TRÀ XANH

Số lượng: 18 viên kem

Dụng cụ: khuôn bán cầu silicon (loại dùng để làm cake pop), giấy nến, rây bột, cán bột

Nguyên liệu

A. Phần kem trà xanh

  • 120 ml kem tươi lạnh 30 – 40% béo (1/2 cup cold whipping cream)
  • 45 g sữa đặc có đường (2.5 tbsp condensed milk) – không nên thay bằng đường
  • 3 g bột trà xanh (1.5 tsp matcha powder)

B. Phần vỏ bánh mochi

  • 3 g bột trà xanh (1.5 tsp matcha powder)
  • 20 ml nước nóng
  • 100 g bột nếp (3/4 cup glutinous rice flour)
  • 60 g đường (1/4 cup + 1 tsp caster sugar)
  • 180 ml sữa tươi không đường (3/4 cup milk)
  • 15 g dầu ăn (1 tbsp cooking oil)
  • 30 g bột ngô hoặc bột khoai hoặc bột bánh dẻo để chống dính (3 tbsp cornstarch/ potato starch)

Ghi chú

– bột dùng cho vỏ bánh là bột gạo nếp sống, khác với bột gạo nếp chín để làm bánh dẻo, không thay thế được cho nhau. Nếu muốn dùng bột bánh dẻo, bạn có thể tham khảo công thức bánh dẻo kem lạnh vị trà xanh này

– sữa tươi có thể thay bằng nước hoặc nước ép hoa quả với lượng tương đương, nếu dùng sữa tươi có đường thì bớt đường trong công thức

Cách làm

A. Phần kem trà xanh

1. Cho kem tươi, sữa đặc và rây bột trà xanh vào âu, đánh tới khi kem bông cứng.

2. Chia kem vào các khuôn nhỏ. Bọc kín, để vào tủ đá trong 1 – 2 giờ, tới khi kem đông cứng hoàn toàn.

3. Nếu không có khuôn cake pop, bạn có thể đổ kem vào hộp, đợi kem đông thì dùng thìa múc kem để múc thành các viên tròn hay bán cầu.

B. Phần vỏ mochi

1. Hoà bột trà xanh trong nước nóng, quấy cho bột trà xanh tan được càng nhiều càng tốt

2. Cho vào âu lớn bột nếp, đường, sữa tươi, dầu ăn và trà xanh ở bước (1), dùng phới lồng trộn đều tới khi bột tan hết. Lọc lại qua rây để loại bỏ các vụn bột bị vón cục.

3. Đổ bột vào bát dùng cho lò vi sóng, đậy bát bằng nắp hoặc nilon dùng cho lò vi sóng. Nấu bột trong lò vi sóng khoảng 2 phút ở mức 600 Watt. Lấy bột ra, trộn đều rồi cho vào lò vi sóng, quay thêm 50 – 90 giây. Bột chín sẽ mềm, dẻo, có màu hơi trong và khi nếm thử thì không thấy còn vị bột sống nữa.

* Lưu ý:

– Nếu không có lò vi sóng thì có thể hấp bột cách thuỷ trên lửa vừa, trong 12 – 15 phút tới khi bột chín. Giữa chừng lấy bột ra đảo như nấu bằng lò vi sóng. Nên có khăn phủ miệng nồi trước khi đậy nắp, để tránh nước đọng trên nắp nồi nhỏ vào bột.

– Tuỳ công suất của lò vi sóng mà thời gian nấu bột sẽ thay đổi. Bột khi gần chín sẽ “sôi” lục bục. Nên quan sát để lấy bột ra ngoài đúng lúc, tránh để quá lâu bột sẽ dễ bị cứng.

– Mỗi loại bột có độ hút nước khác nhau nên bột mochi thành phầm có thể có độ mềm, cứng khác nhau. Nếu bột quá dai và cứng thì có thể do bột hút nước nhiều và/ hoặc nấu quá lâu và ngược lại. Tuỳ vào tình trạng bột mà bạn điều chỉnh lượng nước cho phù hợp nhé.

– Nên dùng thêm dầu ăn trong bột vỏ bánh, dầu giúp vỏ bánh mềm hơn. Dùng dầu dừa sẽ cho mùi thơm và tốt cho sức khoẻ nhất.

4. Cán bột giữa hai miếng giấy nến như hướng dẫn trong video. Với người không có nhiều kinh nghiệm làm mochi thì cách này khá đơn giản và sạch sẽ, tránh được việc cả bếp bẩn lem nhem như cách dùng bột ngô hay bột khoai để chống dính khi cán bột.

Một số hướng dẫn dàn bột bằng tay thay vì dùng cây cán. Mình thấy việc này khá là khó làm, đặc biệt là khi ta nên dàn bột trong lúc bột còn nóng (bột nguội sẽ càng khó dàn ra hơn).

Bạn có thể chia mochi thành các phần bằng nhau (khoảng 20 – 25 g/ phần) rồi cán mỏng từng phần, nhưng cách này sẽ mất nhiều thời gian hơn cách làm trong video.

5. Sau khi cán xong bột thì để nguội về nhiệt độ phòng. Có thể để bột vào ngăn mát tủ lạnh nhưng không nên để quá lâu, bột sẽ nhanh bị cứng.

6. Rây bột ngô/ bột khoai hay bột bánh dẻo lên mặt bột để chống dính. Dùng vật dụng có cạnh sắc, hình tròn, đường kính 6 – 6.5 cm để cắt bột. Nếu không có dụng cụ thì bạn có thể dùng dao cắt bột thành các miếng vuông cỡ 6 x 6 cm.

Gỡ từng miếng bột vừa cắt. Chuẩn bị các miếng giấy nilon nhỏ để đặt các phần vỏ bột này lên. Nên dùng nhiều bột khô để chống dính.

7. Lấy nhân kem từ tủ lạnh ra, đặt nhân vào giữa miếng bột, túm mép lại thật kĩ rồi bọc bánh lại bằng nilon, để bánh trong hộp kín rồi để lại vào ngăn đá.

– Nếu trời nóng, nên để kem trong ngăn mát tủ lạnh, lấy từng viên ra ngoài để làm. Sau khi gói xong cũng cất vào ngăn đá luôn.

– Thao tác nhanh, không để kem dính vào tay hoặc mép bột, sẽ rất khó gói lại.

– Nếu không có nhiều kinh nghiệm làm mochi, nên cắt phần vỏ với kích thước lớn hơn để dễ túm lại. Sau khi đã túm bột và dính mép thì cắt bỏ bớt phần bột thừa ra. Không nên để độ dày của vỏ mochi có sự chênh lệch quá lớn (vì khi phần vỏ mỏng đã mềm thì phần mép bột dày vẫn còn cứng).

8. Giữ bánh trong ngăn đông lạnh. Trước khi ăn lấy ra để ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút hoặc ngăn mát tủ lạnh 15 – 20 phút để vỏ bánh mềm. Nếu vỏ bánh bị cứng thì cần xem lại khâu bảo quản (bánh có bị hở không) hoặc bột làm bánh có bị khô quá không.

Về lý thuyết thì các thực phẩm đông lạnh có thể giữ được trong vài tháng, nhưng mochi nhà mình thường hết rất nhanh nên chưa bao giờ có cơ hội thử nghiệm cả.

Bạn có thể thay đổi mùi vị của nhân kem dựa theo công thức tự làm kem tại nhà không dùng máy ở ĐÂY.