Bánh mì sữa Hokkaido (dùng tangzhong/ water roux)
-
- Chuẩn bị
-
- Nấu/Nướng
-
- Độ khó
- Công thức
Các bài viết về kiến thức, kĩ năng cơ bản khi làm bánh mì:
- Phân biệt các loại bột làm bánh, cách sử dụng, thay thế các loại bột : Phần 1 – Phần 2
- Các chất gây nở (men nở, bột nở, muối nở..) – Phân loại, cách thay thế & các lưu ý khi sử dụng
- Phân loại bánh mỳ – Hai phương pháp trộn bột bánh mỳ cơ bản và vài dòng chia sẻ
- Làm bánh mỳ – Quy trình cơ bản và các lưu ý
—————————————————–
Bánh mì sữa Hokkaido có lẽ là công thức bánh mì kiểu ngọt mềm mà mình thích nhất vì cả hương vị lẫn độ mềm, mịn, dai trong từng thớ bánh. Công thức cũ có cách làm khá đơn giản, không cầu kì, tỉ lệ thành công lại cao nên mình dùng khá thường xuyên. Nhưng ngoài công thức này thì còn một công thức khác có sử dụng bột tangzhong hay water roux – là một kĩ thuật được rất nhiều blogger người châu Á ưa chuộng vì ưu điểm cho thớ bánh đặc biệt mềm và nhẹ của nó, lại có thể để bánh lâu ngày mà không bị khô. Bánh sản phẩm cũng rất ngon mà chỉ thêm một công đoạn chuẩn bị tangzhong khá nhẹ nhàng, nên thi thoảng mình cũng dùng để thay đổi.
Tóm tắt về cách làm tangzhong là pha 1 phần bột với 5 phần nước hoặc sữa, quấy đều rồi đun đến 65 độ C thì để nguội rồi dùng để làm bánh. Nghe qua thấy có màn nhiệt độ 65 độ C thì sẽ cảm giác hơi phức tạp nhưng thực ra làm rất dễ vì có thể nhận biết bằng mắt được. Vì hỗn hợp khi đạt khoảng 65 – 70 độ C sẽ tự động chuyển sang trạng thái đục mờ và hơi sệt, giống như hồ dán hay cháo bột quấy loãng nên chỉ cần để ý một chút là ổn, không nhất thiết phải có nhiệt kế.
Hai loại bánh Hokkaido dùng và không dùng tangzhong có khác nhau nhiều không? Về mặt hương vị thì mình thấy không khác nhiều. Bánh làm theo công thức không có tangzhong có vẻ thơm theo kiểu đậm đà của sữa hơn một chút. Nhưng bánh có dùng tangzhong, bù lại, rất mềm và rất nhẹ. Cảm giác cầm bánh mì mà như cầm gối bông ấy. Thớ bánh xé ra nhìn cũng rất sướng mắt. Tuy nhiên vì bánh nhẹ như vậy nên khi ăn có cảm giác không được “chất” như bánh không dùng tangzhong. Túm lại thì mỗi loại đều có ưu và nhược điểm nên so sánh cũng hơi khó, nhưng kết luận chung là ăn đều tuyệt như nhau. Và đây cũng chỉ là nhận định của mình thôi, nên mình nghĩ các bạn nên thử cả hai để tự chọn ra loại bánh ưa thích theo khẩu vị của bản thân và gia đình nhé.
Bánh mì sữa Hokkaido dùng tangzhong
Dụng cụ: 1 khuôn loaf dài 25 cm, rộng 12 cm, cao 6 cm hoặc 1 khuôn tròn đường kính 20 cm, cao 8 – 10 cm
Nguyên liệu
A. Bột Tangzhong
- 20 gr bột làm bánh mì
- 100 gr sữa tươi không đường
B. Bột bánh
- 270 gr bột làm bánh mì (protein 11,5 – 12,5%)
- 4 gr muối
- 20 gr sữa bột
- 5 gr men instant
- 1 trứng gà (50 gr không tính vỏ)
- 100 gr kem tươi (35% béo)
- 40 gr mật ong (hoặc thay bằng 30 gr đường kính trắng)
- 90 gr Tangzhong
Cách làm
1. Chuẩn bị bột tangzhong
Cho các nguyên liệu trong phần A vào nồi, quấy đều. Đặt nồi lên bếp đun ở lửa vừa, vừa đun vừa quấy đến khi hỗn hợp đạt 65 – 68 độ C. Khi này, hỗn hợp không còn lỏng mà chuyển sang dạng hơi sệt, màu trắng đục như hồ dán (loãng). Bột đọng trên thìa có thể quét ngón tay qua và tạo vệt như trong hình dưới. Đổ bột ra bát (thu được khoảng 100 – 105 gram bột), để nguội.
2. Trộn bột: Cho tất cả các nguyên liệu trong phần B vào âu. Trộn đều đến khi hỗn hợp hòa quyện thành một khối. Đậy nilon hoặc khăn ẩm lên mặt âu. Để bột nghỉ khoảng 5 – 10 phút rồi nhồi.
trộn đều :)
* Ghi chú:
– Công thức này không kích hoạt men nên cần dùng loại men instant (instant yeast/ instant dry yeast). Nên cho bột và men, quấy đều rồi mới cho các nguyên liệu còn lại, tránh để men tiếp xúc với muối vì muối làm yếu/ chết men.
– Trứng và kem tươi nên ở nhiệt độ mát (không quá lạnh).
– Kem tươi không nên thay bằng topping hoặc bơ & sữa vì sẽ làm thay đổi hương vị của bánh.
3. Nhồi bột
– Bằng tay: Bột khá nhão và dính nên có thể sẽ cần dùng thêm ít bột áo (không nên dùng quá 25 gram). Có thể nhồi trong khoảng 5 phút, để bột nghỉ 5 – 10 phút rồi tiếp tục nhồi. Bột có thời gian nghỉ sẽ bớt dính và nhồi cũng dễ hơn. Tùy vào kĩ thuật nhồi mà có thể mất từ 25 – 40 phút nhồi bột. Xem thêm cách nhồi bột tại ĐÂY.
– Bằng máy: Nhồi ở tốc độ vừa trong khoảng 10 – 15 phút rồi để bột nghỉ 5 phút, rồi nhồi tiếp. Do hoạt động của máy sẽ làm khối bột nóng lên nên cần thời gian nghỉ (bột quá nóng sẽ làm bánh kém thơm ngon).
Với công thức này cần nhồi bột rất kĩ để thớ bột được dẻo dai. Mình nhồi bằng máy cầm tay công suất 550W (tốc độ 3-4/5) trong khoảng 10 phút, để nghỉ 5 phút, nhồi tiếp thêm 7 – 10 phút, nghỉ 5 phút, rồi nhồi tay thêm 5 – 7 phút nữa. Bột nhồi đạt sẽ rất dẻo, mịn, hơi trắng hơn so với lúc đầu, đàn hồi tốt (ấn ngón tay vào thấy vết lõm phồng trở lại) và hơi ướt dính (chạm ngón tay thấy hơi dính nhưng khi nhấc lên thì bột không dính theo tay, cảm giác hơi giống như khi chạm vào mép của giấy nhớ – sticky note)
4. Ủ bột lần 1
– Dùng một chiếc âu hoặc bát to, quét 1 lớp dầu ăn mỏng lên đáy và thành âu. Cho khối bột vào âu, lật mặt khối bột để dầu ăn bao đều quanh cả khối bột. Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín âu. Ủ bột ở nhiệt độ phòng (25 – 32 độ C) đến khi bột nở gấp đôi.
* Không có thời gian ủ cố định vì tùy theo nhiệt độ ủ mà bột có thể nở nhanh hay chậm. “Bột nở lớn gấp đôi” là căn cứ tốt nhất. Ngoài ra, các bạn có thể kiểm tra bột ủ đạt bằng cách dùng 2 ngón tay cắm vào khối bột, sâu khoảng 1 – 2cm, nếu vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm.
bột trước khi ủ
bột sau khi ủ
5. Tạo hình
– Sau khi bột đã nở gấp đôi thì dùng mu bàn tay để “đấm” nhẹ hay ép nhẹ cho khí trong khối bột thoát ra ngoài. Lấy bột ra, nhào bằng tay lại sơ qua trong khoảng 1-2 phút.
– Ở đây, tùy theo mục đích sử dụng mà các bạn có thể tạo hình bột thành một chiếc bánh mì gối cỡ lớn (xem thêm cách tạo hình bánh mỳ cho khuôn loaf ). Hoặc chia nhỏ thành nhiều phần (nên dùng cân để chia cho đều) rồi cuộn lại tạo thành các múi lớn cho bánh khuôn loaf theo cách giới thiệu ở công thức bánh mì Hokkaido cũ.
– Lần này làm mình chia bột thành các phần nhỏ (mỗi phần nặng khoảng 76 – 78 gram) rồi vê tròn. Cách vê tròn bột các bạn có thể xem trong bài viết này. Tiếp theo, chuẩn bị một khuôn tròn đường kính 20 – 22 cm, chống dính cho khuôn bằng xịt chống dính hoặc dùng bơ lạnh quét đều lên lòng và thành khuôn. Đặt các viên bột vào khuôn như hình dưới. Bột sau khi ủ sẽ nở to và tự dính vào nhau, tạo thành hình bông hoa.
6. Ủ bột lần 2
– Ủ bột ở nơi ấm áp & ẩm, đến khi bột nở gấp 2 – 2,5 lần. Mình ủ trong lò nướng bằng cách bật lò ở 50 độ C trong khoảng 3 phút rồi tắt đi. Đặt thêm 1 cốc nước sôi vào trong lò để giữ ẩm, tránh cho mặt bánh bị khô. Nhiệt độ nên ở khoảng 33 – 38 độ C, không được nóng hơn, sẽ làm men hoạt động chậm hoặc chết men.
– Làm nóng lò trước khi nướng bánh ở 15 phút, nhiệt độ 180 độ C (hai lửa). Vì cần làm nóng lò trước, nên khi bột nở khoảng 70-80%, các bạn có thể bật lò. Đến khi lò đủ nóng thì bánh cũng ủ vừa đủ. (Nếu ủ bánh trong lò thì phải lấy bánh ra rồi mới bật lò nhé).
7. Nướng bánh ở 175 – 177 độ C trong khoảng 30 – 35 phút. Đặt khay bánh ở nấc thấp nhất của lò. Mặt bánh vàng khá nhanh, nên khi mặt bánh tương đối vàng thì lấy một tờ giấy bạc đậy lên để che cho mặt bánh khỏi bị cháy. Sau khi nướng khoảng 20 phút có thể hạ nhiệt xuống 170 độ C và nướng đến khi bánh chín. Không nên nướng ở nhiệt độ thấp hơn vì có thể sẽ làm cho vỏ bánh bị dày và cứng.
bột sau khi ủ lần 2, trước khi đưa vào lò
8. Bánh chín lấy ra khỏi khuôn. Để mặt bánh bóng đẹp và thơm, có thể quét một lớp bơ (đã đun chảy) lên mặt bánh, hoặc quét kem tươi (quét từng chút một để có thời gian thẩm thấu).
Có thể dùng khi bánh còn ấm nóng. Nhưng nếu muốn cắt lát theo kiểu bánh mì gối thì phải đợi bánh nguội hẳn mới cắt, nếu không bánh sẽ dễ bị bết, dính trong ruột.
Bảo quản trong hộp/ túi kín, ở nơi thoáng mát. Dùng được trong khoảng 2-3 ngày (nhưng với hầu hết các loại bánh mì, dùng trong ngày nướng bánh bao giờ cũng ngon nhất).
Bánh sau khi lấy ra khỏi lò 5 phút
xé một miếng ăn thử ^.^
bên trong
103 phản hồi tới Bánh mì sữa Hokkaido (dùng tangzhong/ water roux)
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Mười Hai 3, 2018 vào 4:23 chiều #
Chị Trang ơi, hiện em thấy có bán loại whipping dạng bột, chị đã thử bao giờ chưa ạ? Nếu dùng whipping dạng bột vào công thức này thì dùng bao nhiêu gam bột, bao nhiêu gam chất lỏng là được ạ?
Mong chị phản hồi sớm.
Cảm ơn chị nhiều lắm!
Tháng Một 5, 2018 vào 8:28 chiều #
Chị trang ơi cho em hỏi kem tươi 35% có phải là whipping cream không ạ ? Nếu em không có nguyên liệu đó thì có thể thay bằng gì chị ?
Tháng Chín 3, 2017 vào 2:21 chiều #
Hi Chị,
E làm bánh theo công thức trên, nhưng bột sau khi ủ lần 1 lấy ra ko biết sao rất nhão & dính tay ko thể vê thành viên tròn được luôn c, trước khi lấy bột ra e ấn thử 2ngón tay như c chỉ khi nhấc tay lên thì bột dính theo tay chứ ko lõm như hình của c =>> như vậy là bị ủ lâu quá or bột bị nhồi quá tay or bột bị nhão vậy c? Nhờ c bắt bệnh giúp e, thanks c nhiu ^_^
Tháng Chín 3, 2017 vào 9:28 chiều #
em dùng bột mì loại nào của hãng nào nhỉ?
Tháng Bảy 20, 2017 vào 9:26 chiều #
c ơi e làm bánh y như trên nhưng nhồi hoài ko mịn c ạ. Em có chụp lại hình e nhồi đc 15 phút rồi ạ
https://www.facebook.com/savourydays/posts/1390746854312229
mong sớm nhận được phản hồi của c :(
Tháng Bảy 20, 2017 vào 6:20 chiều #
Chào chị Trang, em có làm theo công thức hokkaido với tangzhong được sản phẩm bánh có hương vị khá, nhưng em gặp một vài lỗi, chị có thể xem hình và bắt bệnh giúp em ạ:
Lỗi như sau:
– bánh màu vàng , không trắng
– nướng xong bánh có thớ bột “ngắn”, dễ đứt, khoảng cách các thớ to, cấu trúc không “mềm mại”
– bánh có mùi men (em cho 1 teaspoon men instant)
– phần ngoài của thân bánh hơi mềm kiểu bị đọng nước (em dùng khuôn nhôm trắng cỡ 20cm, lót giấy good bake cả đáy và thành khuôn)
Quá trình làm như sau:
* Trong công thức em thiếu 20gr sữa bột, em nghĩ không ngọt nên cho vào công thức 2tsp đường trắng. Khi quấy tangzhong em không đạt được mịn như hướng dẫn, thành phẩm xong giống bánh đúc hơi nhão ạ.
* Hỗn hợp B được nhào bằng máy (phillips 300w, em dùng mức 3-4), nhào bột 10 phút em ngưng 5 phút nghỉ – bột được bọc nilon thực phẩm lúc này. Sau 3 lần nhào bằng máy, em chuyển ra bàn nhào tay nhưng bột vẫn rất nhão, trong quá trình nhào tay em phải cho thêm khoảng 3 tbs bột áo nữa.
* Bánh nở lần 1 và lần 2 theo cảm quan của em là nở khá ổn (lần 1 90p, lần 2 45p)
* Nướng bánh: do vài lần làm bánh gato theo nhiệt trong công thức bị hỏng, em thấy bánh vàng nhanh nhưng sống bên trong. Nên em quyết định lần này nướng bánh mì với nhiệt chỉnh 150 độ C – trong lò đã có bánh thì nhiệt kế chỉ số 140 độ C, nướng được 15 phút bắt đầu có mùi thơm, mặt bánh bắt đầu vàng nhẹ. Thời gian nướng 40 phút. Rãnh thấp nhất. chế độ 2 lửa có quạt đối lưu.
(Đặc điểm: nhiệt nút chỉnh và nhiệt kế lò cho chỉ số bằng nhau khi không có thực phẩm, không hiểu sao cảm giác nhiệt lò rất cao. lò dung tích 38 lit)
* Bắt đầu nướng em quét xíu dầu ăn (vì bánh nở lần 2 có khu vực bị nứt mặt nên em nghĩ quét bơ để mặt trên mềm, sẽ không nứt nữa)
Nướng xong em quét bơ chảy.
Hình bánh của em:
Phía ngoài:
https://www.flickr.com/gp/63091122@N02/BMs40h
https://www.flickr.com/gp/63091122@N02/82Mb72
Phía trong:
https://www.flickr.com/gp/63091122@N02/j9q1m0
https://www.flickr.com/gp/63091122@N02/174BJ9
Xin cảm ơn chị!
Tháng Hai 21, 2017 vào 12:07 chiều #
Trang ơi cho mình hỏi bánh mình làm mềm rồi nhưng nhân bánh k dc trắng nhỉ?
Tháng Một 6, 2017 vào 8:19 sáng #
Chị cho em hỏi, với các loại bánh mỳ ngọt như bánh mỳ hokkaido, bánh brioche, em có thể tăng lượng đường trong CT mà giữ nguyên các nguyên liệu khác được không? Em đã làm thử 2 loại bánh này, nhưng ăn thì mọi người nói muốn ngọt hơn xíu nữa.
Tháng Mười Hai 12, 2016 vào 1:14 chiều #
T cho minh hỏi: khuôn mình không có chống dính,chỉ là khuôn làm bánh bông lan bình thường thì có cần bôi dầu cho khỏi dính khi nướng k?
Tháng Mười Hai 12, 2016 vào 1:54 chiều #
@Hieu Nguyen: mình thấy trong bài chị Trang có ghi rõ rồi mà bạn, bạn xem lại nha “Tiếp theo, chuẩn bị một khuôn tròn đường kính 20 – 22 cm, chống dính cho khuôn bằng xịt chống dính hoặc dùng bơ lạnh quét đều lên lòng và thành khuôn”. Lần sau bạn chịu khó đọc thật kỹ bài trước khi đặt câu hỏi nha.
Tháng Mười Hai 5, 2016 vào 6:55 chiều #
Trang cho chị hỏi, chị dùng bột mỳ số 13 được không? Có protein 13%. Vì bột mỳ đa dụng thấy họ ghi trên bao là protein >9,5%.
Tháng Mười 30, 2016 vào 2:37 chiều #
Trang oi cho co hoi phan o tren banh mi Hokkado dung Tangzhong, nhung co khong tim thay cho tron phan A (Tangzhong) o cho nao? Theo co hieu la tron vao phan B? hoac la co doc nhanh ma bo sot?
Tháng Mười Một 2, 2016 vào 4:09 sáng #
90 g tangzhong ở vị trí cuối cùng trong phần nguyên liệu B, trong bước 2 có hướng dẫn “trộn tất cả các nguyên liệu trong phần B” đó ạ.
Tháng Mười 26, 2016 vào 5:35 chiều #
Chị Linh Trang ơi, sao em làm bánh cua với công thức có tangzhong nhưng khi nướng xong thì nó nhăn nheo. Chị có cách nào chỉ em đừng để bánh nhăn được không chị. Em đã thử nhiều cá́ch nhưng vẫn bị. Em cám ơn chị nhiều.
Tháng Mười 29, 2016 vào 5:01 sáng #
Em rút thời gian ủ lần 2 ngắn lại một chút và có thể giảm nhiệt độ nướng một ít nhé.
Tháng Chín 6, 2016 vào 12:08 chiều #
Mình có vài thắc mắc, chả biết hỏi ai đành hỏi Trang vậy.
Tại mình đi làm xa nhà, đọc công thức cuối tuần về tranh thủ nướng bánh cho vợ ăn nên không có thời gian test.
1. Nhồi bánh bằng tay càng nhiều thì bánh càng ngon? Nhồi nhiều thì bánh sẽ thế nào hơn? Vd: dai hơn, cứng hơn, hay mềm hơn, xốp hơn…
2. Nướng nhiệt độ cao hơn (185 độ chẳng hạn) sẽ gây ra hậu quả gì, và thấp hơn sẽ gây ra hậu quả gì cho bánh?
3. Nếu mình nướng như công thức nhưng chỉ nướng 25 phút thì bánh sẽ thế nào?
4. Nếu công thức như trên, mà mình cho gấp đôi bột mì vào lúc đầu thì bánh sẽ khác thế nào?
5. Chỉ tiêu đánh giá bánh mì ngọt (như bánh hokkaido) với bánh mì lạt khác nhau như thế nào? Tại mình ở miền núi, không được ăn bánh xịn bao giờ, nên vừa rồi làm bánh hokkaido xong, kết cấu thì rất đạt, nhưng bánh vị ngon hay không thì … không biết, vì không hiểu bánh này thế nào mới là ngon.
6. Đường / mật ong cho vào bánh nhằm mục đích gì? Tạo độ ngọt cho bánh hay làm thức ăn cho men?
Nhiều thắc mắc tào lao, nhưng giữ trong bụng cứ bứt rứt khó chịu ^_^ Trang trả lời giúp mình nhé
Tháng Chín 6, 2016 vào 3:34 chiều #
@Hùng: trước khi xin trả lời giúp chị Trang, bạn cho mình hỏi không biết chuỗi bài về việc làm bánh mì của chị Trang viết bạn đã đọc hết chưa? Vì đa phần những câu hỏi của bạn đều có câu trả lời năm trong đó.
1. Bạn đọc lại giúp bài Cách nhồi bột nhé. Với bánh mì, việc nhồi nhiều (và phải đúng cách) sẽ giúp sợi gluten phát triển, làm bánh thành phẩm có độ dai (lưu ý không nhồi quá mức).
2. Nướng nhiệt độ cao hơn sẽ làm mặt bánh cứng lại trong khi phần ruột bánh chưa kịp nở hết, bánh bị cứng mặt và bết ruột. Nhiệt độ thấp thời gian ngắn sẽ làm bánh chưa chín. Nhiệt độ thấp thời gian dài làm bánh khô. Phần này chị Trang cũng đã có viết bài, bạn đọc thêm để rõ hơn nha.
3. Không biết tại sao bạn lại muốn giảm thời gian nướng xuống vậy?
4. Ý bạn muốn “cho gấp đôi bột mì vào lúc đầu” là tăng gấp đôi nguyên cả công thức (bao gồm các nguyên liệu khác) hay chỉ tăng bột mì và giữ các nguyên liệu còn lại?
5. “Bánh mì lạt” mà bạn đề cập là dạng bánh mì gì? Bánh mì lạt theo dạng sandwich hay bánh mì lạt vỏ giòn của Việt Nam?
6. Phần này thì có sẵn trong bài viết của chị Trang luôn. Bạn đọc lại giúp nha.
Tháng Chín 8, 2016 vào 3:44 chiều #
1. Dai hơn sẽ làm ruột bánh mềm hơn hay cứng hơn?
2. Phần này ý mình hỏi là bánh có nở bùng lên không, hoặc có nở nhỏ đi không. Vì điều này cũng ảnh hưởng kết cấu bánh.
3. Vì nhiều công thức khác chỉ nướng hokkaido 175 độ trong 25 phút. Mình không biết khi nướng ít phút hơn thì bánh sẽ như thế nào
4. Mình chỉ muốn cho gấp đôi bột mì thôi. Công thức giữ nguyên.
5. Bánh mì lạt là bánh mì vỏ giòn kiểu baguette ấy.
6. Tại mình cho mật ong, thì thấy bánh không ngọt tí nào, bánh cho đường thì lại ngọt. Men ăn hết mật ong hay sao ấy nên hỏi luôn.
Tháng Chín 8, 2016 vào 2:43 chiều #
Con chỉ có thể trả lời cho chú câu 1,6 thôi
nha
1.Ko phải là càng nhồi bánh càng ngon. Nhồi nhiều sẽ gây ra hiện tượng overmix làm cho gluten bị yếu, bánh có mùi lạ.
6 . Đường , mật ong làm bánh ngọt, ăn dễ, vì đây là bánh mì ngọt.
Tháng Tám 7, 2016 vào 2:47 chiều #
Em chào chị,
Chị cho em hỏi loại bánh này có thể nặn thành 1 khối duy nhất rồi xếp vào khuôn loaf được k? Thành phẩm sẽ thành kiểu 1 ổ sandwich ấy ạ?
Chả là bữa em mua 1 túi sandwich bơ sữa của Mr.Cake (ở VN) thì thấy khác bánh của những nơi khác. Sandwich mà vỏ mềm mại, đỉnh nhô tròn chứ k vuông, ruột bánh mềm, thơm mùi bơ sữa… em cảm thấy kiểu bánh này có tính chất giống loại bánh Hokkaido trên.
Nên muốn hỏi chị liệu có thể tạo hình cho bánh như vậy k?
Em cảm ơn :-D
Tháng Tám 7, 2016 vào 2:49 chiều #
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1630139003968889&id=100009184169622&refid=17&ref=bookmarks&_ft_=top_level_post_id.1630139003968889%3Atl_objid.1630139003968889%3Athid.100009184169622%3A306061129499414%3A2%3A0%3A1472713199%3A-1398130590556090641
Trông bánh tiệm ấy như thế này ạ !
Tháng Tám 10, 2016 vào 3:52 sáng #
được em nhé ;)
Tháng Bảy 9, 2016 vào 11:02 sáng #
Cám ơn Linh Trang rất nhiều. Hôm nay cô thử làm bánh này và đã thành công. Cô rất vui và rất hạnh phúc vì không bao giờ nghĩ mình có thể làm được .Ông xã của cô rất thích va khen rất ngon.
Một lần nữa cô chân thành cám ơn Linh Tramg.
Tháng Sáu 25, 2016 vào 7:37 chiều #
Trang ơi, chị đã mua bột bread về làm và đã thành công. Rất thích mềm đến hẳn 2 ngày sau. Chị thắc mắc không biết có thể dùng bột này để làm bánh mì cuộn nho quế không Trang. Trong sách em có nói là dùng bột bánh mì bơ mềm nhưng chị thích loại này nên không biết làm sẽ ra sao.
Hình bánh mì sữa Hokkaido của chị đây:
hhttps://www.flickr.com/gp/131390302@N02/2Ej7G9
hhttps://www.flickr.com/gp/131390302@N02/4571U9
Tháng Sáu 25, 2016 vào 9:44 chiều #
https://www.flickr.com/gp/131390302@N02/mX88a7
https://www.flickr.com/gp/131390302@N02/rENTo4
Tháng Sáu 26, 2016 vào 5:40 chiều #
Được chị ạ, trong sách chỉ là ví dụ thôi còn chị có thể thay bằng bất kì loại bột nào chị thích ạ :)
Tháng Một 18, 2017 vào 7:56 sáng #
Chị Trang ơi, em có thể dùng bột Tazhong để cho vào bánh mì hoa cúc được không chị?
Tháng Sáu 19, 2016 vào 5:42 chiều #
C ơi trong các loại bánh mì nếu e muốn để thời gian lâu hơn thì có thể thêm chất ổn định vào k c? Nếu k thì có cách gì bảo quản được lâu c chỉ cho e với. E cảm ơn c ạ
Tháng Sáu 21, 2016 vào 3:40 sáng #
Em muốn để lâu là trong khoảng thời gian bao lâu?
Bánh mì kiểu này, nếu làm đúng cách, đúng kiểu, thì có thể để được khoảng 3 ngày vẫn mềm ngon. Đồ ăn chín nói chung đếu không nên để lâu quá nên sau 3 ngày làm bánh mới sẽ tốt hơn nhiều. Chất ổn định chị chưa dùng bao giờ, cũng không bao giờ thấy các công thức trong sách nấu ăn nước ngoài nhắc đến, chỉ có ở Việt Nam mới thấy dùng, nên chị thực sự không chắc nó có tốt cho sức khoẻ hay không.
Tháng Sáu 8, 2016 vào 1:16 sáng #
https://www.flickr.com/gp/131390302@N02/7dFm75
https://www.flickr.com/gp/131390302@N02/9ao43c
https://www.flickr.com/gp/131390302@N02/tAv559
Hi Trang
Chị làm theo công thưc có tangzhong nhưng cũng thât bại. Lần trước chị làm công thức không có tangzhong của em cũng không thành công. Em nhìn giúp chị sai ở bước nào mà công thức nào khi chị tạo hình nó cũng nở bể ra như hình.vỏ bánh thì cứng dù chị nướng ở tầng thấp nhất với nhiệt độ như em hướng dẫn. Chị làm 3 lần đều với bột đa dụng. Chị nghĩ lỗi ở đâu đó chứ không phải nguyên liệu em nhỉ! Cảm ơn em nhé
Tháng Sáu 9, 2016 vào 8:07 chiều #
Em nghĩ có thể là bột hơi ướt quá, như chị nói là chị dùng bột mì đa dụng, chị xem thử lại %protein trong bột ạ, bột có % protein thấp thì sẽ hút nước ít hơn. Khi chị nhồi bột có cảm giác bột quá mềm và nhão không ạ? Ngoài ra khi ủ thì bột có thành một khối chắc chắn không hay bị chảy bẹt ạ? Nếu là trường hợp 2 thì đúng nguyên nhân là do nhiều nước ạ.
Với cả ủ lần 2 hình như hơi lâu quá ạ.
Tháng Sáu 9, 2016 vào 10:25 chiều #
Chắc chị phải mua bột bánh mì để làm lại lần nữa. Cảm ơn Trang nhé!
Tháng Năm 29, 2016 vào 2:18 chiều #
Chị ơi em có thể dùg loại bột này để chiên không? Làm như bánh donut ấy?
Tháng Năm 31, 2016 vào 4:56 chiều #
được em ạ
Tháng Năm 15, 2016 vào 10:47 chiều #
Hi Linh Trang, bánh mình làm theo công thúc cua ban rât ngon, chi có 1 nhuoc diêm là vo bánh hoi dày vì lò nuong cua mình chi có 1 lua, có cách nào khac phuc duoc không Trang ( lò nhà mình khá lon, nhung chi có quat và lua trên).
Tháng Năm 18, 2016 vào 4:43 sáng #
Vỏ dày thường là do bánh nướng hơi lâu quá bạn ah, bạn lấy bánh ra sớm hơn một chút nhé.
Tháng Ba 31, 2016 vào 9:44 chiều #
Buồn quá đi mất, lần thứ 3 rồi mà vẫn thế này Trang ơi. 2 lần trước có mùi men nên lần này mình giảm men. Bánh có mùi hơi chua, mình kiểm tra thường xuyên nên bánh nở gấp đôi là làm luôn chứ k ủ quá lâu. 15p đầu nướng 170 độ, 20p sau nướng 160 độ. Vỏ bánh dày cứng.
Hic đến bao giờ mới thành công đây Trang ùi. ..
https://www.flickr.com/gp/hayebapig/59V17K
Tháng Ba 31, 2016 vào 10:05 chiều #
https://www.flickr.com/photos/hayebapig/shares/w7YG16
Đây Trang ơi, bắt bệnh giúp mình với
Tháng Tư 4, 2016 vào 2:34 sáng #
Mình nghĩ là nhiệt nướng hơi thấp, bánh có vẻ hơi bết một chút, nếu đã ủ đủ thì bết như vậy có thể là do nhiệt không đủ cao để bánh nở tốt.
Tháng Ba 31, 2016 vào 3:57 chiều #
Trang ơi, mình đọc mãi ko hiểu bột tangzhong dùng để làm gì và ko thấy nhắc đến trong bài sau khi bột tangzhong được chuẩn bị xong? Cảm ơn Trang nhiều nhiều.
Tháng Tư 4, 2016 vào 2:36 sáng #
Bột Tangzhong dùng để làm gì được giải thích ở đầu bài, trong công thức thì nguyên liệu cuối cùng trong phần B là 90 gram Tangzhong và ở bước 2 có viết là “cho tất cả nguyên liệu trong phần B vào âu”, bao gồm cả Tangzhong đã chuẩn bị trong bước 1 bạn nhé.
Tháng Ba 21, 2016 vào 12:44 sáng #
Chị Trang cho em hỏi tí là sữa bột chị dùng trong bài là nất kì loại sữa bột nào, chẳng hạn như sữa bột em bé, hay là loại sữa bột chuyên dụng làm bánh ạ? Em cảm ơn chị.
Tháng Ba 21, 2016 vào 3:55 sáng #
Sữa bột em bé cũng được nhưng mà thường khá đắt vì có thêm nhiều chất dinh dưỡng, chị hay dùng loại bột sữa khô, bên chỗ chị sống ng ta hay dùng để pha cùng cafe (như ở VN hay pha sữa đặc ấy) ,sữa này thì rẻ hơn. Nói chung là không có sữa bột chuyên dụng để làm bánh đâu nên em thấy loại nào tiện với em thì dùng nhé.
Tháng Hai 2, 2016 vào 5:49 sáng #
Dạ loại máy em dùng giống như máy chị ạ.nhưng máy ủ bột đến 3 lần nên em hơi bối rối không biết nên làm thế nào.chị có thể hướng dẫn cụ thể giúp em không?cảm ơn chị
Tháng Hai 3, 2016 vào 4:58 chiều #
không sao em ah, nếu chỉ dùng để nhồi và ủ thì không có vấn đề gì đâu
Tháng Một 21, 2016 vào 7:37 sáng #
Chị ơi em có thể dùng máy làm bánh mì để nhồi bột và ủ bột không chị?cảm ơn chị ạ
Tháng Một 23, 2016 vào 4:39 sáng #
em xem loại máy có chức năng riêng cho việc này không, như máy của chị có chức năng Dough thì chị thấy dùng để nhồi và ủ bột khá ổn