Cách làm CHÈ BƯỞI

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Khẩu phần
    • 4 - 6 phần ăn
    • Độ khó

Bạn có thể tìm thấy nhiều quán bún phở, miến mì ngon ở trên đường, nhưng nếu bạn là người “nghiện” món chè bưởi, dám chắc là tìm được quán chè nấu chè bưởi ngon là rất khó. Ở ngoài hàng, sẽ chẳng có mấy ai nấu cho bạn bằng thứ đường thốt nốt thật là thơm, đỗ xanh hấp bở mềm tan trong miệng, những miếng cùi bưởi trong vắt, giòn sần sật, và tất cả quyện đều trong vị cốt dừa thơm dịu dàng, ăn kèm với đá bào mát lạnh. 

Nhưng không sao cả, vì bạn có thể tự nấu ở nhà! Không hề khó khăn hay cầu kỳ gì đâu, mà kết quả trả lại hẳn sẽ khiến cho bạn bất ngờ: nấu một nồi là chưa đủ, phải nấu thêm nữa cơ!

Nguyên liệu (4 – 6 phần ăn) 

(A) 100g đậu xanh xát vỏ

(B) 60g cùi bưởi
     250 ml nước
     ½ tsp muối

(C) 150 ml nước đun sôi để nguội
      50 g đường kính ( hoặc đường nâu)
      50 g bột năng (tapioca starch)
      60 g bột năng để riêng

(D) 1 lít nước
      200-250 g đường thốt nốt tùy khẩu vị
      1 âu nước đá
      65 ml nước đun sôi để nguội
      35g bột năng

(E) 100 ml nước cốt dừa
      20 – 30 g đường tùy khẩu vị

Cách làm

Video cách làm bánh CHÈ BƯỞI đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được tại website thì các bạn có thể xem trực tiếp trên YouTube theo link này nhé. Video có chế độ HD, hướng dẫn cách bật HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

 

1. Chế biến đậu xanh (phần nguyên liệu A)

– Đậu xanh xát vỏ, vo sạch, bỏ hạt hỏng, ngâm nước qua đêm cho đậu nở mềm. Có thể ngâm nước nóng khoảng 2 tiếng nếu không có thời gian ngâm qua đêm.

– Đậu sau khi ngâm mềm, đổ ra rổ, xóc thật ráo nước rồi hấp ở lửa nhỏ, nước sôi liu riu trong vòng 10-15’ đến khi đậu chín, bở tơi, có thể miết vụn nhưng vẫn giữ nguyên hạt, không bị nát. Lưu ý: khi hấp cần tránh để lửa quá to, nước sôi tràn vào xửng, làm ướt đậu. Đậu sẽ khó bở và dễ bị sượng.

2. Sơ chế cùi bưởi (phần nguyên liệu B)

– Bạn nên chọn quả bưởi vỏ xanh (bưởi da xanh hoặc bưởi năm roi), còn tươi, để cùi được giòn. Bưởi đã chín, hơi héo thì cùi bưởi mỏng, dễ bị dai.

– Cùi bưởi cần được gọt sạch phần vỏ xanh bên ngoài để không bị quá đắng và gọt bớt phần xơ xốp ở bên trong để cùi được giòn hơn. Xem minh hoạ trong video để nắm được cách tách vỏ bưởi. Xắt cùi bưởi thành khúc vừa ăn (cỡ một đốt ngón tay út), không nên xắt quá to, khi nấu sẽ dễ bị sống sượng hay quá nhỏ, sẽ dễ bị mất độ giòn.

– Đun 250 ml nước với 3 g muối (khoảng ½ thìa nhỏ) đến khi sôi thì đổ cùi bưởi vào. Nhanh tay đảo đều rồi lập tức bắc khỏi bếp, đổ cùi bưởi ra rổ.

– Xả cùi bưởi dưới vòi nước chảy. Dùng tay vò và bóp nhẹ cùi bưởi (giống động tác vò quần áo) liên tục khoảng 5 phút, giúp cho nước the đắng từ cùi bưởi chảy ra hết. Sau 3 – 4 phút có thể nếm thử, xem cùi bưởi đã hết đắng chưa. Nên để lại một chút vị đắng the, cùi bưởi sẽ thơm ngon hơn (vị đắng này khi nấu lên sẽ bị đường át đi, chỉ còn tinh dầu tạo mùi thơm của cùi bưởi). Vắt kiệt cùi bưởi, cho vào bát sạch.

3. Chuẩn bị cùi bưởi trước khi luộc (Phần nguyên liệu C)

– Hòa tan 50 g đường và 50 g bột năng trong  150 ml nước. Đổ cùi bưởi đã vắt kiệt vào, để cùi ngậm nước căng mọng trở lại thì vớt cùi để trên rổ cho ráo bớt nước. Bước này bạn chỉ cần vớt nhẹ nhàng ra, để nguyên cùi bưởi ngậm nước chứ không vắt nước ra nữa. Sau khi cùi bưởi đã ráo bớt nước thì xóc cùi cùng 60 g bột năng khô để riêng để bột năng bám xung quanh cùi. Nếu thích ăn lớp bột dai dày thì bạn có thể thêm bột năng khô tuỳ thích nhé.

4. Chuẩn bị nước đường và luộc cùi bưởi (Phần nguyên liệu D)

– Đun 1 lít nước với 200 – 250 g đường thốt nốt đến khi đường tan hết và nước bắt đầu sôi thì giảm lửa. Lượng đường có thể thay đổi theo khẩu vị của bạn. Nên dùng đường thốt nốt hay đường nâu, chè sẽ thơm ngon hơn đường kính trắng hoặc đường phèn.

Luộc cùi bưởi: Đổ phần cùi bưởi đã xóc bột năng vào nồi nước vừa chuẩn bị. Để lửa vừa, luộc đến khi nhìn cùi bắt đầu trong lại, chín, nếm thử thấy giòn thì vớt cùi thả vào âu nước đá.
*Lưu ý: thời gian luộc cùi bưởi dao động khoảng 3 – 5 phút tuỳ độ to, dày của cùi. Cần theo dõi, không nên luộc cùi bưởi quá lâu, sẽ làm cùi chín mềm, mất độ giòn, thậm chí có cảm giác bở nát khi ăn.

Hoàn thiện chè: Để lửa nhỏ. Hòa tan 35 g bột năng trong 65 ml nước rồi từ từ đổ vào nồi chè. Quấy đến khi chè bắt đầu sánh lại. Giữ lửa nhỏ, quấy đều tay, không vặn lửa to, tránh để bột năng bén đáy nồi.

– Nếu muốn chè đặc hơn thì bạn có thể pha thêm nước bột năng theo tỉ lệ tương tự như trên, đổ từ từ vào nồi, vừa đổ vừa quấy tới khi có độ đặc của chè mà bạn muốn. Nên quấy kĩ để bột chín, chè sẽ không bị vữa khi nguội.
*Lưu ý: Chè sẽ đặc hơn khi nguội, nên bạn hãy nấu “non” hơn so với độ đặc mong muốn nhé, khi nguội chè sẽ đặc vừa!

– Khi nước chè đã được nấu kĩ và đủ độ sánh đặc, vớt cùi bưởi trong âu nước đá, xóc thật ráo rồi thả cùi vào nồi chè. Từ từ cho đậu xanh đã hấp chín, quấy đều. Khi chè sôi lục bục trở lại thì tắt bếp. Có thể cho thêm vài giọt nước cất hoa bưởi nếu thích. Chè có thể ăn nóng hoặc lạnh tuỳ thích, dùng kèm cốt dừa sẽ rất ngon.

5. Nước cốt dừa (phần nguyên liệu E)

Đun nước cốt dừa với đường và nêm nếm cho vừa khẩu vị. Nước dừa sẽ có độ béo ngậy và ngọt dễ ăn. Có thể hòa 1 chút bột năng với nước cho vào nếu thích nước cốt dừa cũng có độ sệt. Giống như chè, cốt dừa sẽ đặc hơn khi nguội nên bạn hãy làm nước dừa hơi loãng một chút so với khẩu vị, khi nguội nước đặc lại là vừa.