Kimbap – Cơm cuộn rong biển kiểu Hàn Quốc
-
- Độ khó
- Công thức
Trời nắng nóng, làm món này chắc là cũng được nhỉ :)
Mình thì thích món này lắm, vì nó tiện, lại dễ ăn, và trên tất cả là cực kì đủ chất, cơm có, thịt có, rau có… Chỉ cần 1, 2 cuốn là đủ no rồi. Nhất là những khi đi xa, hoặc đi picnic, thì chỉ cần cuốn một hộp, với bịch nước là yên tâm hoàn toàn về chuyện lương thực. Mà với mình thì món này thực ra còn làm nên bữa trưa tuyệt hảo nữa, vì có thể ăn nguội, nên không cần ra nhà ăn để hâm nóng cơm, ngồi trong phòng xử lí cũng được :D
Kimbap cũng không phải là món ăn xa lạ gì nên mình sẽ không giới thiệu nhiều, chỉ điểm qua về sự khác nhau giữa Kimbap của Hàn Quốc và Sushi của Nhật Bản thôi nhé :) Khác biệt thì cũng nhiều, nhưng những điểm cơ bản có lẽ là cơm làm Kimbap cũng thường chỉ trộn với ít muối, dầu vừng và vừng, còn cơm của Sushi sẽ trộn với hỗn hợp dấm đường, nên có vị chua ngọt. Các nguyên liệu cho phần nhân của Kimbap thường là nguyên liệu chín, và thường là được cho thêm gia vị để có vị mặn ngọt vừa ăn, trong khi Sushi thì có thể có các nguyên liệu tươi sống như cá sống… Vì các nguyên liệu làm Kimbap thường có thêm gia vị rùi nên Kimbap cũng không cần chấm thêm với nước tương (xì dầu) như Sushi.
Còn bi giờ là thành phần nguyên liệu và cách làm cụ thể nè…
Nguyên liệu (4-5 cuộn)
- 300gram gạo sushi hạt tròn
- 200gram rau chân vịt (spinach)
- 1 củ cà rốt (50-100gram)
- 2 quả trứng gà
- 5 thanh cua (surimi stick)
- Rong biển dạng lá sấy khô (Dry roasted seaweed)
- Vừng đen, trắng (black, white sesame)
- Dầu vừng
- Muối hoặc bột gia vị
Cách làm
* Đầu tiên là có một vài ghi chú thêm về phần nguyên liệu làm Kimbap nhé:
– Với phần gạo: nếu các bạn mua được loại gạo hạt tròn, ngắn dành riêng cho Sushi thì tốt, không thì dùng gạo bình thường nấu cũng được, không sao.
– Với phần nhân: mình không rõ có quy định nào về nhân Kimbap bắt buộc phải gồm các thành phần A, B, C, .. hay không. Nhưng mình làm ở nhà thì thường là khá thoải mái với phần nhân này, làm theo khẩu vị cá nhân và tùy theo cái tủ lạnh thôi (cụ thể là còn thừa gì thì làm nấy :D), miễn là đủ rau đủ thịt, hoặc rau nhiều hơn thịt thì càng tốt. Cho nên phần nhân mà mình ghi ở trên chỉ là gợi ý thôi, còn lại thì các bạn thay đổi tùy thích nhé. Ngoài ra còn một điều nữa là, nếu các bạn có thể mua được Danmuji (củ cải dầm, màu vàng, vị chua ngọt) thì cực tốt vì Danmuji giúp cho Kimbap ngon hơn rất nhiều (theo quan điểm của mình :) ).
– Mành tre để cuốn Kimbap: nếu ở Hà Nội thì trước đây mình vẫn mua ở đầu phố Ngô Văn Sở, đoạn cắt với Bà Triệu, khá rẻ, khoảng 20K/ cái, giờ chắc có lên giá rồi. Mình nghĩ trong siêu thị đồng giá Daiso chắc cũng có bán. Tại các thành phố khác thì mình không rõ. Các bạn ở nước ngoài thì có thể tìm mua trong chợ châu Á nhé. Nhưng thực ra nếu ai cuốn nem hay cuốn chả giò quen thì không cần mành tre đâu, cuốn tay không cũng được vì mình thấy cuốn Kimbap còn dễ hơn là cuốn nem Việt Nam ý :D (hoặc các bạn gấp vài miếng giấy bạc với nhau để tạo thành một miếng giấy dày dặn một chút, rồi dùng thay mành tre cũng được).
– Cuối cùng, có một “nhắn nhủ” là với Kimbap thì hai mùi vị gần như đặc trưng nhất là mùi của lá rong biển (khá tanh) và mùi của dầu vừng. Hai mùi này đều tương đối “đặc biệt”, ai ăn quen rồi thì dễ thích và nghiện lắm (như mình chẳng hạn), nhưng ai không quen có thể sẽ thấy khó ăn. Nên nếu bạn không quen lắm với hai thứ mùi này thì nên cân nhắc một chút trước khi làm nhé. Ah có một mẹo là dùng vừng rang chín có thể giúp át bớt mùi tanh của rong biển, nên các bạn có thể tăng thêm 1 chút vừng rang trộn với cơm :)
Chú ý về nguyên liệu vậy là hết rồi, giờ mình cùng làm nhé:
Bước 1. Gạo vo sạch. Có một vài công thức hướng dẫn là vo & chắt nước nhiều lần, đến khi nước trong, nhưng mình nghĩ làm vậy chắc mất hết chất dinh dưỡng trong lớp cám bao bên ngoài gạo rồi, nên mình vo và nấu như cơm bình thường thôi. Các bạn nhớ cho nước vừa phải, để cơm không qúa nát hay quá khô nhé.
Bước 2. Trong lúc đợi cơm chín thì chuẩn bị các nguyên liệu còn lại.
1. Cà rốt thái sợi dài khoảng 8-10cm. Đun sôi 1 bát to nước, cho khoảng 1 thìa cafe muối vào nước (sao cho nước có vị mặn vừa như nước canh). Cho cà rốt vào khoảng 1-2 phút rồi vớt ra, xả nước lạnh, xóc cho thật ráo nước. Trộn thêm khoảng 1/3 thìa cafe muối & 2-3 giọt dầu vừng (sao cho cà rốt có vị hơi mặn là được) (hình 2-4)
2. Rau chân vịt rửa sạch. Làm tương tự như cà rốt (đun sôi nước, cho muối, trần qua..). Rau chân vịt chín nhanh nên chỉ cần nhúng vào nước sôi khoảng 30 giây -1 phút là có thể vớt ra. Sau đó xả nước lạnh sẽ giúp rau giòn và xanh. Sau khi xả nước thì các bạn dùng tay vắt hoặc ép cho rau ra hết nước, rồi trộn với muối và ít dầu vừng cho vừa vị mặn (có thể thay bằng các loại rau khác, như dưa chuột chẳng hạn).
3. Rang 1 thìa cafe vừng trắng + 1 thìa cafe vừng đen đến khi chín vàng thơm.
4. Trứng đánh tan với một chút muối và tiêu. Tráng chín (tráng trứng hơi dày một chút, khi cuộn sẽ đẹp hơn). Trứng tráng chín thì để nguội bớt rồi thái thành sợi dài.
5. Surimi stick có thể cắt đôi hoặc để nguyên thanh, tùy thích (nếu không dùng surimi stick thì có thể thay bằng xúc xích).
Bước 3. Cơm sau khi nấu chín thì trộn với vừng đã rang chín, khoảng ½ thìa cafe dầu vừng và muối, sao cho cơm thơm mùi dầu vừng và có vị mặn vừa ăn. Nên dùng đũa để xới tơi cơm và trộn cơm với vừng vì dùng thìa, nếu bạn nào không quen tay sẽ dễ làm nát hạt cơm. Để nguội bớt, đến khi cơm còn hơi ấm ấm là có thể cuốn được.
Bước 4. Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng để cuộn, gồm rong biển, cơm, các nguyên liệu trong phần nhân, và mành tre.
Trải lá rong biển lên mành tre. Thường lá rong biển sẽ có 2 mặt hơi khác nhau một chút, các bạn úp mặt bóng xuống dưới, để mặt ráp của lá ngửa lên trên nhé (cơm dính tốt hơn mà cuộn cơm cũng đẹp hơn). Trải cơm ra lá rong biển. Lớp cơm này nên làm mỏng thôi, độ dày khoảng 2-3 lớp hạt cơm là vừa, vì phần nhân nhiều, nên nếu mình làm lớp cơm cũng nhiều thì cuộn cơm sẽ rất to. Để chừa khoảng 1cm ở đầu lá, phần mà mình sẽ bắt đầu cuốn, và khoảng 2-3cm ở cuối lá.
Sắp nhân lên cơm. Phần cơm và nhân trong công thức sẽ làm được khoảng 4-5 cuộn, các bạn chia cơm và nhân cho đều nhé. Nhân nên sắp cho thật khít, nhưng không nên chồng tất cả lên nhau vì sẽ khó cuộn, chỉ cần sắp thật khít và đặt cạnh nhau là được.
Từ từ cuộn lại. Trong khi cuộn thì các bạn có thể dùng mành tre để ép và cuốn cho chặt tay. Vì không có ai chụp cho mình lúc cuốn nên mình tìm thêm một bức hình minh họa nữa để các bạn tham khảo. Thật ra mô tả thì nghe có vẻ phức tạp vậy thôi chứ cuốn thì nhanh lắm, vèo cái là thấy hết nồi cơm rùi :D
Hình minh họa từ: http://www.seriouseats.com/recipes/2009/07/how-to-make-kimbap-korean-sushi-recipe.html
Sau khi cuộn xong hết thì còn 1 bước gần cuối nữa là bôi dầu vừng lên ngoài cuộn cơm. Các bạn có thể dùng chổi quét, hoặc dùng tay sạch (hoặc đeo găng), để xoa đều dầu vừng lên bên ngoài cuộn cơm. Việc này sẽ giúp cuộn cơm thơm ngon hơn, và cũng bóng đẹp hơn nữa.
Thế thôi, có thể măm măm được rồi :) Cầm cả cuộn ăn thật ra đôi khi cũng là một thú vui :D nhưng nếu muốn cho tiện và gọn, và đẹp mắt hơn thì các bạn có thể cắt ra thành các miếng nhỏ, độ dày tùy thích (tầm 1.5cm là tương đối vừa). Lưu ý là dùng dao thật sắc, và trước khi cắt thì bôi lên dao ít dầu vừng để cắt miếng cơm cho đẹp, tránh bị vỡ nhé. À, nếu vẫn thấy nhạt thì có thể chấm thêm với nước tương (hay là xì dầu).
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ :)
70 phản hồi tới Kimbap – Cơm cuộn rong biển kiểu Hàn Quốc
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Mười 13, 2018 vào 9:20 chiều #
Em ko cho dầu vào cơm được ko ạ chỉ cho giấm đường và muối thôi được ko ạ?
Tháng Mười 15, 2018 vào 10:26 sáng #
được em nhé
Tháng Năm 24, 2016 vào 6:54 chiều #
chị ơi em không thích dầu mè nên khi trộn với cơm em bỏ đi có được không ạ?
Tháng Năm 24, 2016 vào 7:59 chiều #
cơm không hỏng, chỉ thiếu ít vị thôi, không sao em nhé
Tháng Năm 24, 2016 vào 8:14 chiều #
=D em cảm ơn chị :)
Tháng Năm 11, 2016 vào 11:47 sáng #
CHi ơi cho em hỏi, món này để qua đêm làm đồ ăn sáng được không ạ? Em cảm ơn chi nhiều nhé
Tháng Năm 12, 2016 vào 5:03 sáng #
muốn để trong thơi gian dài như vậy em sẽ cần bảo quản ở nơi thoáng mát, cho nên ở những nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, em sẽ cần để trong tủ lạnh, mà như vậy thì gạo dễ bị khô và cứng em ah
Tháng Tư 28, 2016 vào 4:25 chiều #
c ơi làm thế nào để ăn mà khử mùi của rong biển đi vậy ạ e thử làm rồi nhưng múi tanh của rong biển e ko khử đc mùi mong c sớm rep của e ạ ^^ ths chị
Tháng Năm 1, 2016 vào 5:31 sáng #
thường thì dầu vừng sẽ giúp khử bớt mùi tanh rong biển, nhưng mà 1 phần vị của rong biển là tanh nên không hết được hoàn toàn đâu em ah