Làm bánh mỳ – Quy trình cơ bản và một vài lưu ý (Phần 1)
Cuối cùng thì cũng có thời gian để viết tiếp về bánh mì rồi ^.^ Mặc dù nói là “có thời gian” nhưng đợt này công việc của mình vẫn khá là bận nên chắc mình sẽ không viết được nhiều, cố gắng mỗi ngày thêm một ít, theo kiểu “sản xuất phim dài tập”, mong là cả nhà sẽ không sốt ruột và bực mình vì việc “sản xuất phim” này :P
Với việc làm bánh mì nói chung, trước khi nói về tất cả những thứ như nhào bột, ủ bột, thì có một phần kiến thức rất rất quan trọng và rất cần phải nắm được là quy trình chuyển hóa và biến đổi từ bột mỳ thành một chiếc bánh giòn, thơm, mềm, xốp. Vì các khâu làm bánh mỳ, cũng như các chú ý, đều có liên quan đến quy trình này, nên nếu nắm được thì việc làm bánh mì sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều – mình nghĩ vậy.
Để làm ra một chiếc bánh mì thì các nguyên liệu cơ bản nhất chỉ gồm có bột, men nở và nước (về bột và men nở, các bạn có thể xem thêm – và rất nên xem nếu bạn chưa nắm rõ về các loại bột cũng như các loại men – trong các bài viết về phân loại bột và men của mình ở ĐÂY). Quy trình chuyển hóa từ 3 nguyên liệu này đến khi hình thành bánh mì, nói tóm tắt và rất ngắn gọn thì gồm có những bước chính sau:
- Đầu tiên, khi trộn bột mì với nước, protein trong bột mì sẽ giúp hình thành các sợi gluten. Trong quá trình nhào và nhồi bột, các sợi gluten này sẽ trở nên dài hơn, dẻo dai và khỏe hơn, biến hỗn hợp bột từ một “đống lổn nhổn” bột và nước ban đầu thành một khối dẻo mịn và đàn hồi (các tài liệu dạy làm bánh của nước ngoài thường mô tả khối bột nhồi đạt bằng một số từ như là “springy, smooth & elastic”).
- Khối bột sau khi nhồi xong được mang đi ủ. Trong thời gian ủ này, men bắt đầu hoạt động, “ăn” một số thứ từ bột và cho đầu ra gồm 2 sản phẩm chính là hơi rượu và khí Các-bon. Rượu sẽ bay hơi hết trong quá trình ủ và nướng. Khí Các-bon được giữ lại nhờ các sợi Gluten, giúp hình thành các túi hay lỗ khí bên trong khối bột, làm cho bột nở phồng. Chính vì mục đích “giữ” khí Các bon mà các sợi Gluten cần phải khỏe và dẻo dai, nếu không sẽ không thể giữ được khí. Tuy nhiên, việc làm cho bột nở không hẳn là mục đích chính trong lần ủ đầu tiên, mà điều quan trọng hơn là hoạt động của men và một số vi sinh vật khác trong lần ủ này sẽ giúp tạo ra rất nhiều “chất” làm nên mùi vị của bánh mì. Và đây mới là mục đích quan trọng của lần ủ đầu tiên: tạo mùi vị cho bánh.
- Bột sau khi ủ đạt (thế nào là đạt sẽ được nói cụ thể sau) sẽ được tạo hình (dài, dẹt, vuông, tròn,… tùy loại bánh) (thường là được nhồi lại sơ qua và để nghỉ trong một khoảng thời gian ngắn trước khi tạo hình), sau đó ủ lần 2. Mục đích của lần ủ này là giúp cho bánh nở.
- Bánh sau khi ủ lần 2 thì được nướng ở nhiệt độ quy định. Trong quá trình nướng này, đầu tiên men sẽ hoạt động rất hăng say, nhưng sau đó do nhiệt độ quá cao nên men chết, đồng thời các sợi Gluten cũng cứng lại, tạo thành các thớ bánh cứng cáp, với nhiều lỗ khí bên trong….và hình thành nên bánh mì.
Về quá trình này thật ra còn nhiều chú ý cũng như giải thích cụ thể nữa, trên đây chỉ là những điểm cơ bản và tóm tắt nhất, nhưng mình nghĩ với bài học “bánh mì nhập môn” thì chừng này gạch đầu dòng có lẽ là tương đối đủ :) Tương ứng với quy trình này, để làm nên một chiếc bánh mỳ thì sẽ có các bước cơ bản là:
- Cân đong và trộn nguyên liệu
- Nhồi bột (và có thể cả đập bột)
- Ủ bột lần 1
- Để bột nghỉ và tạo hình
- Ủ bột lần 2
- Nướng bánh
- Măm măm.. :P – đùa thôi, bước cuối cùng này là Để bánh nguội & bảo quản
Mỗi một bước đều có một vài chú ý, mình ghi lại cụ thể theo từng đề mục ở dưới để các bạn tiện theo dõi nhé.
I. Cân đong và trộn nguyên liệu
Như đã nói ở trên, ba nguyên liệu cơ bản nhất để làm bánh mỳ là bột mỳ, men và nước. Tuy nhiên, thường thì ít khi bánh chỉ có ba nguyên liệu này, mà sẽ thêm đường, muối, với các loại bánh mỳ ngọt thì có thể thêm cả bơ, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa… Mỗi loại nguyên liệu đều có vai trò riêng, không chỉ là tăng thêm mùi vị của bánh mà còn có ảnh hưởng đến sự phát triển của gluten, đến hoạt động của men… Và vì vậy nên việc sử dụng các loại nguyên liệu này trong làm bánh mỳ cũng cần tuân theo một vài quy tắc và chú ý, cụ thể là:
– Với bột mỳ, tốt nhất là dùng đúng loại bột mà công thức yêu cầu. Với các loại bánh thông dụng thì mình để ý thấy thường là bột bánh mỳ (bread flour) hay được sử dụng. Mặc dù vậy, nếu không thể tìm được bread flour thì các bạn cũng có thể dùng bột mỳ đa dụng hay là bột mỳ thường (all-purpose flour/ plain flour) thay thế. All-purpose flour có thành phần protein thấp hơn so với bread flour, bột và thớ bánh làm từ all purpose flour sẽ kém dai hơn một chút. Nhưng với các loại bánh mỳ ngọt, mềm thì đây không phải là vấn đề, còn với các loại bánh mỳ vỏ giòn như Baguette thì có thể bánh sẽ kém dai hơn một chút, nhưng bánh sẽ vẫn có mùi vị ngon nếu khéo léo trong quá trình làm bánh.
– Nước (hoặc các chất lỏng tương tự như sữa…): Lượng nước dùng trong việc làm bánh mỳ thường là không cố định, mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, như là:
- Hàm lượng gluten trong bột: Thường bột có hàm lượng protein hay gluten cao (cái này có thể xem trên nhãn mác) sẽ cần nhiều nước hơn.
- Độ cũ mới của bột
- Ngoài ra, các loại bột do các hãng khác nhau sản xuất cũng có khả năng hấp thụ nước khác nhau.
Nhìn chung, tỉ lệ nước trong bột bánh sẽ dao động trong khoảng từ 55 – 65% so với lượng bột (ví dụ: nếu bánh cần 100gram bột thì nước sẽ dao động trong khoảng từ 55 – 65gram). Một số công thức có thể sẽ yêu cầu lượng nước cao hơn, có thể lên đến 70 – 80%. Tuy nhiên, như mình viết ở trên, lượng nước phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cho nên không nhất thiết phải tuân theo đúng công thức, mà tốt hơn là tự mình điều chỉnh lượng nước trong khi nhào bột. Nhìn chung thì nhiều nước sẽ tốt hơn là ít nước. Nếu nhào bằng tay thì sẽ có thể cảm nhận rất rõ bột khi có đủ hoặc hơi nhiều nước sẽ thường là dẻo và nhão, nhồi tương đối nhẹ nhàng và dễ, ngược lại với bột khô, nhồi sẽ có cảm giác khối bột cứng và nặng tay, làm rất vất vả.
– Men nở có 3 loại chính, cách thức sử dụng và định lượng có khác nhau. Ở trong bài về men nở mình có viết khá rõ rồi nên mình không nhắc lại ở đây nữa nhé. Chỉ có 1 lưu ý là nếu dùng men khô (Dry yeast) thì phải kích hoạt men rồi mới sử dụng. Kích hoạt bằng cách pha men với nước ấm (khoảng 37 – 40 độ C), để khoảng 10 phút. Nếu men tốt sẽ nở và tạo mảng, mọi người hay mô tả là men nở bung như gạch cua.
Nước dùng để kích hoạt men thường là một phần nước (hoặc sữa…) trong công thức, sau khi kích hoạt xong thì nhào trộn cùng với các nguyên liệu khác. Nhiệt độ của nước không được quá nóng vì nóng quá sẽ làm chết men, và không nên quá lạnh vì sẽ làm chậm quá trình kích hoạt men. Ngoài nhiệt độ ra thì một chút đường sẽ giúp men kích hoạt nhanh hơn. Nếu trong công thức có sử dụng đường thì có thể pha đường này với nước để kích hoạt men.
Men instant (instant yeast) tuy không cần phải kích hoạt nhưng thường là mình cũng cho men vào nước trước, đợi men nở rồi mới trộn với bột. Làm cách này không chỉ kiểm tra được men tốt hay không (nếu men không nở có nghĩa là men có vấn đề, hoặc nước quá nóng làm chết men, cần bỏ đi và làm lại), mà còn giúp cho men hòa đều với các nguyên liệu khác hơn.
– Muối cũng là một nguyên liệu quan trọng trong làm bánh mì, không chỉ giúp tăng hương vị cho bánh mà còn có 2 vai trò rất quan trọng khác. Đầu tiên là muối giúp mạng Gluten chắc khỏe & dẻo dai hơn. Hai là muối làm chậm hoạt động của men. Điều này nghe qua thì tưởng là không tốt, nhưng thực ra lại rất quan trọng và có ích, vì nếu không có muối, men hoạt động quá nhanh sẽ làm bột nở nhanh => Gluten bị kéo dãn quá nhanh => không tốt. Và quan trọng hơn là trong lần ủ thứ nhất, hoạt động của men sẽ giúp sinh ra các chất hình thành mùi vị của bánh mỳ. Men hoạt động càng chậm thì mùi vị của bánh càng ngon, cho nên rất cần có muối để kìm hãm sự hoạt động của men.
Tuy nhiên, vì muối là khắc tinh của men nên khi trộn nguyên liệu nên tránh để men tiếp xúc trực tiếp với muối. Tốt nhất là hòa một trong hai thứ với chất lỏng rồi mới trộn (thường là mình cho men vào nước hoặc sữa trước).
– Ngoài các nguyên liệu kể trên thì khi làm bánh mì, đặc biệt là các loai bánh mì thuộc nhóm “béo” (như bánh mỳ ngọt) thì thường sẽ cần thêm đường, trứng, sữa và các sản phẩm khác từ sữa như buttermilk, sữa chua… Vai trò cụ thể của từng nguyên liệu mình sẽ không nói cụ thể, vì khá dài, nhưng nguyên tắc chung là các chất ngọt và béo sẽ làm sợi Gluten yếu hơn => bánh mềm hơn.
Đây là các chú ý chính về mặt nguyên liệu. Việc trộn các loại nguyên liệu này với nhau thì tùy theo công thức, trong trường hợp nếu trộn các nguyên liệu cùng một lúc thì các bạn nhớ lưu ý việc cho muối và men. Nếu trong công thức có bơ hay dầu ăn thì có thể cho bơ và dầu ăn vào sau khi nhào bột khoảng 5 – 8 phút, để khoảng thời gian đầu tiên nhào bột được dễ dàng hơn.
Mình tạm dừng phần 1 ở đây, trong phần 2 mình sẽ viết về cách nhào bột, đập bột và ủ bột lần 1 nhé.
Xem tiếp Làm bánh mỳ phần 2 – Cách nhào bột và Làm bánh mỳ phần 3 – Ủ bột, tạo hình, nướng bánh và bảo quản.
38 phản hồi tới Làm bánh mỳ – Quy trình cơ bản và một vài lưu ý (Phần 1)
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Tám 20, 2020 vào 8:46 chiều #
xin chào Anh Chị!
Em cũng có sở thích làm bánh, nhưng chưa có kinh nghiệm và cũng không được học hay được đào tạo trường lớp ra. Chủ yếu tự học và tiểu hiểu trên mạng và nhiều khi làm theo nhưng vị bánh theo sở thích của nhưng tìm lại những mùi vị từ kí ức đã qua. Vì không có kinh nghiệm nên mua dụng cụ ở đâu, nguyên liệu làm bánh chỗ nào em đều không biết. Rất mong Anh Chị có kinh nghiệm có thể chỉ em được không ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ! Mail của em ” huynhkimdinh.py@gmail.com”
Thân chào!
Tháng Tám 21, 2020 vào 8:33 sáng #
Em google : “savoury days giới thiệu dụng cụ làm bánh” nhé
Tháng Tư 23, 2018 vào 12:05 chiều #
Chị ơi, chị giúp em được không? Em làm hamburger, nhồi bột xong em để nghỉ 30 phút, rồi chia bột vê tròn. Nhưng khi bánh nở thì mặt bánh không láng, nở méo mó ko đẹp. Chị giúp em với.
Tháng Mười Một 23, 2017 vào 11:53 chiều #
Chị Trang ơi, nếu em muốn thêm bơ để bánh mì thơm hơn thì có cần giảm lượng sữa ko ạ? em làm bánh mì hoa cúc của chị Trang (công thức ít bơ) mà bị chê không thơm nên buồn lắm ạ?
Tháng Sáu 14, 2016 vào 10:14 chiều #
Chị Trang ạ, em đã tìm tòi làm bánh mà không cần lò từ 2 tháng nay và đã nắm được kiến thức kha khá qua blog của chị. Em đã làm tốt bánh bao và bánh mì nhân trứng sữa bằng chảo rồi ạ. Như vậy có thể coi là thành công một nửa trên con đường làm bánh mì không ạ? Em rất thích làm bánh mì, thích nhìn bột nở phồng và mịn màng. Vì vậy, gần đây em mới sắm lò nướng của pensonic loại 38l. Em không biết có ai dùng loại này chưa và rất muốn nghe về “bệnh” của lò để khắc phục ạ. Em muốn hỏi chị Trang là em mới mua lò thấy bảo trong lần đầu sử dụng phải làm nóng lò ở 250oC trong 10′. Mà ví dụ em làm một loại bánh chỉ cần làm nóng lò ở 200oC thì phải làm sao ạ? Em rất mong chị giúp em trả lời 2 câu hỏi trên và mọi người ai dùng lò giống em thì giúp em bắt bệnh với ạ.
Chúc chị Trang sẽ thành công với nhiều món bánh mới!
Tháng Sáu 17, 2016 vào 4:16 sáng #
Mỗi lò có một đặc điểm khác nhau nên chỉ có người dùng lò mới nắm được rõ nhất thôi em ah. Chị chưa bao giờ được dùng lò mới cứng cả nên chuyện thử lò ở 250 độ C chị cũng không rõ, nhưng tốt nhất là nên có nhiệt kế, và em thử nướng vài lần xem sao.
Tháng Ba 13, 2016 vào 8:44 chiều #
minh me lam banh ngot lam , nhat la banh . nhung lam rat nhieu lan roi deu that bai. hi vong lan nay lam theo ct cua ban thanh cong
Tháng Mười 28, 2013 vào 9:58 chiều #
Chị ơi, em sống ở Úc ấy ạ, mà bên đây chả có bánh mì truyền thống… Chị có thể tìm hiểu về cách làm bánh mì được không ạ?
Tháng Mười 29, 2013 vào 2:41 sáng #
Ý em là bánh mì vỏ giòn của VN ah? Bánh đó chị cũng muốn làm nhưng làm đúng là ko dễ chút nào, chị vẫn đang tìm cách.
Tháng Mười Một 27, 2013 vào 1:23 chiều #
cam on ban rat nhieu
trang danh tat ca time & cong suc cho dam me lam banh & nau nuong
Tháng Sáu 6, 2013 vào 3:55 sáng #
Chào Linh Trang,
Tôi tên Tài, định cư ở Rumani; tôi mon men bước vào kinh doanh ẩm thực Vietnam tại đây vài năm nay, trong đó có món bánh mì kẹp. Tôi bắt đầu tìm hiểu về quy trình sản xuất bánh mì kiểu Vietnam, kiểu mà bên này người ta không làm, để tự cung cấp cho cửa hàng của mình. Tôi tìm kiếm trên mạng, và biết đến trang web của Trang. Tôi rất khâm phục, quý mến Trang bởi tình yêu ẩm thực, khả năng tìm tòi nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ, cũng như tinh thần chia sẻ vô điều kiện. Tôi luôn có mong muốn được kết giao với những người tài năng như cô. Vậy, cô vui lòng cho phép tôi được biết địa chỉ e.mail của cô được không? Mong reply của cô trong địa chỉ của tôi, banhmi37@gmail.com. Hân hạnh!
Tháng Sáu 7, 2013 vào 3:42 chiều #
Chào anh, rất vui vì được làm quen với thêm một người cùng có niềm đam mê ẩm thực. Email của em là savourydaysvn@gmail.com. Chúc anh sẽ gặt hái nhiều thành công với công việc kinh doanh của mình :)
Tháng Năm 28, 2013 vào 5:27 chiều #
Chào Trang… Vấn đề của mình là mình muốn làm những loại bánh mì ngọt theo công thức của Trang (ví dụ như bánh mì sừng bò hay bánh mì sữa ấy) nhưng vì ăn chay nên không thể dùng trứng được, vậy nếu không dùng trứng mình có cần tăng thêm lượng chất lỏng (nước/sữa) không? Hoặc là tăng thêm nguyên liệu nào thì thích hợp vậy Trang? Và có phải mình bớt bao nhiêu gam Trứng thì sẽ thêm bấy nhiêu gam nguyên liệu thay thế không? Xin lỗi vì mình đã hỏi nhiều quá nha
chúc Trang luôn vui ^^
Tháng Sáu 3, 2013 vào 9:05 sáng #
Chào bạn, về việc này thì đúng là khó vì trứng có vai trò khá quan trọng trong cấu trúc của bánh mì ngọt nên néu bỏ đi mình nghĩ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Thêm nữa là mình chưa bao giờ làm ct không có trứng nên cũng không dám khuyên bừa. Bạn thử google: “sweet roll – no egg recipe” xem sao nhé :)
Tháng Tư 20, 2013 vào 5:33 chiều #
chị ơi làm bánh mỳ này có phải điều chỉnh nhiệt độ tùy lò to nhỏ như sponge cake ko ạ? hay làm để nhiệt như ct?
Tháng Năm 29, 2013 vào 3:22 sáng #
@chi:cm lâu k có reply :( mình xin tl giúp c Trang nha:
Bánh mỳ này khi nướng cũng cần điều chỉnh nhiệt như tất cả các loại bánh khác vậy. Tránh trướng hợp nhiệt trên/dưới cao làm mặt bánh/đấy bánh vàng, cháy sớm mà ruột bánh chưa kịp chín, bết ẩm.
Do đó mà cần điều chỉnh nhiệt độ tùy lò to nhỏ như bạn nói. Ngoài ra trong một số ct bánh mì c Trang có lưu ý: nếu mặt bánh vàng sớm thì đậy một miếng giấy bạc.
Chúc bạn thành công :)
Tháng Hai 23, 2013 vào 3:38 chiều #
thanhk c rất rất nhiu ha
Tháng Sáu 30, 2012 vào 5:39 sáng #
Chi oi phần 2 cua “Làm bánh mỳ” chi Link bị lộn rồi. Chị link lộn phần 1 rồi nhờ chị Link lại phần 2
Tháng Sáu 30, 2012 vào 7:30 sáng #
Linh bị lộn ở đâu hả em?
Tháng Năm 9, 2012 vào 5:15 sáng #
instant cũng dễ bảo quan hơn Trang nhỉ! Mình nhờ mua rồi, để tập làm bánh mì đấy :)
Tháng Năm 9, 2012 vào 11:43 sáng #
chúc thành công nhé ;)
Tháng Năm 8, 2012 vào 10:44 sáng #
Trang ơi,Trang thường dùng men nào trong 3 loại men trên khi làm bánh mì? :)
Tháng Năm 8, 2012 vào 12:00 chiều #
mình dùng men instant vì nhanh và tiện, nghe mọi người nói là men tươi thì ngon hơn, nhưng mà mình ít khi kiếm được men tươi, mà men instant thì lúc nào cũng sẵn trong tủ nên dùng men instant là chủ yếu :)
Tháng Tư 24, 2012 vào 8:32 sáng #
Trông bánh mỳ nhân kem trứng ngon quá. Ngày nào chị cũng vào xem có công thức và demo chưa. Trang viết một bài hướng dẫn nhé. Cảm ơn em vì những bài viết bổ ích.
Tháng Tư 24, 2012 vào 11:34 sáng #
mai em đăng chị nhé, em đang viết dở rồi ạ :)
Tháng Ba 12, 2014 vào 12:54 chiều #
Chào bạn, mình là Thi hiện đang sống tại Sài Gòn.Trước hết cám ơn bạn về bài viết. Mình định thành lập lò bánh mì, nhưng mình không biết gì về nó. Chẳng hạn như:
1. Điều kiện cần để tổ chức lò bánh (nhà cửa, giấy phép,…).
2. Thiết bị như thế nào.
3. Nhân công ra sao.
4. Thị trường nhu cầu.
5. Đặc biệt là vốn cần để làm là bao nhiêu.
Nếu có thể bạn sẵn sàng cung cấp giúp mình những thông tin cần thiết nhé.
Cám ơn bạn rất nhiều
Tháng Ba 14, 2014 vào 4:09 sáng #
Bạn ơi mình không ở VN và cũng không kinh doanh về bánh, xin lỗi bạn vì mình không giúp được gì nha.
Tháng Tư 13, 2012 vào 3:11 chiều #
Chị ơi em cũng vừa mới mua lò nướng, mới làm cookie 1 lần. Em có đọc 1 bài nào đó chị bảo với những người bắt đầu nên làm muffin, cupcake cho quen tay. Nhưng em rất thích làm các loại bánh mì và buns nhân thịt,…Liệu có là quá khó và dễ hỏng với 1 đứa ít kinh nghiệm như em k ạ?
Tháng Tư 13, 2012 vào 5:04 chiều #
Nếu em rất muốn làm bánh mì, thì đọc thật kĩ các bài viết của chị nhé, đặc biệt là các bài cơ bản về những thứ như bột, men… và các hướng dẫn về cách làm nhé. Khi làm cũng nhớ tuân theo các buước, đừng tự chỉnh sửa cái gì nha. Chị nghĩ với em, làm bánh mì là hơi mạo hiểm, nhưng không phải là không được, nếu quyết tâm :) Chúc em thành công.
Tháng Tư 1, 2014 vào 3:30 chiều #
Chào Trang, vo tình biết được trang web của em khi tìm học cách làm bánh. Chị đã đọc không biết bao nhiêu trang mạng rồi, nhưng lại mê mẩn cái trang của em đến thế. Thích nhất là sự nhiệt tình của em, những câu trả lời là sự tôn trọng của em với mọi người, những bài viết chi tiết, cụ thể …. Cảm ơn em rất nhiều!!!. Rất giống bạn Kan, chị mới bắt đầu tập làm (chưa làm được mẻ nào) nhưng rất thích làm bánh mỳ, ước mơ chỉ là làm được bánh mỳ cho 2 nhóc nhà chị ăn sáng thôi vì chúng rất thích. Nghe em nói thì thấy chắc khó và rất khó có thể thành công trong buổi ban đầu. Trong quá trình làm, nếu có gì khúc mắc, chị nhờ em giải đáp giúp nhé. Cảm ơn em.
Tháng Tư 1, 2014 vào 3:34 chiều #
Mình đã tìm mua sách của Trang nhung hiện bị hết (tiki.vn). Trang có biết ở đâu còn sách không?
Tháng Tư 2, 2014 vào 8:43 sáng #
Chị Giothoimaybay ơi, em xin trả lời giúp chị Trang ạ,
Cuốn sách mới nhất của chị Trang hiện vẫn còn bán tại các địa chỉ này đây ạ:
http://saigoncom.vn/nhat-ky-hoc-lam-banh.html
http://pibook.vn/sach/ky-nang-song/nhat-ky-hoc-lam-banh
Riêng cuốn sách đầu tay của chị Trang thì chị có thể mua tại:
http://www.vinabook.com/c521/qua-tang-ngot-ngao-p53179.html
Làm bánh mì không quá khó đâu ạ. Chị cứ làm theo từng bước hướng dẫn chị Trang đã viết và đọc kỹ các lưu ý và các comment cũ. Có bất kỳ khó khăn nào chị cứ phản hồi trên blog để chị Trang và các bạn tiện giúp đỡ chị nhé. À, mới bắt đầu làm bánh chị có thể thử những công thức đơn giản như Amish White Bread ạ. Công thức này khá dễ làm và cũng rất ngon.
Chúc chị sớm làm được những mẻ bánh như ý cho các con ạ.
Tháng Tư 23, 2014 vào 5:00 chiều #
Cảm ơn Oriole đã trả lời chị, Chị đã mua được sách rồi, vui lắm. đọc lấy đọc để. Sách hướng dẫn rất chi tiết em ah. Chị làm được nhiều mẻ bánh rồi, có điều chưa được thành công như mong đợi Bánh vẫn bị một nhược điểm đó là mùi men, ra lò bánh rất thơm, nhưng những hôm đầu nướng xong thì có mùi men nồng nặc, một lúc sau thì hết. Sau mỗi lần chị lại đọc lại cố gắng thay đổi, chấn chỉnh từ cân đong đên nhồi bột, ủ …, chị trộn bột bằng máy, các bước không sai với hướng dẫn mà vẫn không hêt mùi, chị đã giảm số lượng 1/4 men như Trang chỉ dẫn thì thấy đỡ hơn. Đến giờ vẫn còn mùi nhưng có thể chấp nhận được và đang có gắng khắc phục dần. Mặc dù mọi người nói bánh amish white bread là dễ nhất trong các loại bánh mỳ nhưng sao với chi nó khó thế, làm bị hỏng nên rất chán nhưng cứ nghĩ con sẽ có bánh ngon bánh sạch để ăn lại quyết tâm đến cùng. Sau mỗi lần hỏng chị lại đi làm 1 mẻ bánh Muffin để bù.
Chị sẽ update khi bánh thành công nhé. Thanks alot.
Tháng Tư 13, 2012 vào 6:56 sáng #
chị cũng rất mê món bánh mì này đây, cũng đã làm rồi, nhưng chưa ưng ý lắm, ngồi chờ em vậy. Thích nhất là đọc bài của em hiểu rõ được từ gốc vấn đề.
Tháng Tư 12, 2012 vào 3:16 chiều #
Hôm nay e vừa làm 1 mẻ bánh mỳ bơ chị ạ :-< chả hiểu lơ ngơ thế nào quên hẳn đường.. thế là bánh nhạt thếch. Đành phải mua xúc xích ăn kèm :(( nhưng mà mất cả ngon .. hức
Tháng Tư 12, 2012 vào 2:55 chiều #
sao mà nghe mấy em vi sinh trong bài chị lại thấy đáng iêu ghê :)) háo hức háo hức đợi ngày học xong lớp bánh mỳ của chị để làm bánh con cua :”> : x : x
Tháng Tư 12, 2012 vào 12:14 chiều #
bóc tem đầu tiên…c Trang thật chu đáo…phim này dài khoảng bao nhiu tập vậy c hihi
Tháng Tư 12, 2012 vào 12:21 chiều #
bóc tem gì mà lại cho câu hỏi khó thế :(