Nhật ký làm bánh – Phần 2 (tiếp): Muffin – Dụng cụ & nguyên liệu cần thiết
Chọn muffin để bắt đầu cho việc học làm bánh ngoài những ưu điểm mà mình đã liệt kê trong phần trước thì còn một ưu điểm (rất) to nữa là muffin không yêu cầu phải có quá nhiều dụng cụ cầu kì và chuyên dụng. Chỉ cần có một số dụng cụ cơ bản cho làm bánh là có thể cho ra lò những mẻ muffin ngon lành rồi. Những thứ mà mình đã chuẩn bị cho việc làm muffin của mình là:
1. Âu & thìa trộn bột
2. Khuôn & cốc (cup) giấy
3. Cân và bộ thìa đong
4. Rây bột
5. Hộp thiếc đựng bánh
6. Lò nướng
7. Hết rồi :->
Vì tất cả những thứ này đều là dụng cụ cơ bản để làm bánh nên mình nghĩ có thể tìm thấy và mua tại các cửa hàng bán đồ làm bánh hoặc đồ bếp nói chung mà không có khó khăn gì. Mình chỉ có thêm một vài chia sẻ nho nhỏ như thế này:
1. Âu trộn bột và cây khuấy bột. Thật ra là mình không chủ định mua âu và thìa trộn bột, vì ở nhà đã có một cái spatula (phới trộn) và mấy cái muôi gỗ rồi rồi, còn âu thì mình nghĩ có thể dùng bát ô tô to hay nồi xoong gì đấy cũng được :D Ban đầu thì nghĩ là như thế, xong rồi tự nhiên đến một hôm lượn lờ sale, tình cờ nhìn thấy cái âu và thìa ở trong hình. Vì cả hai thứ đều… xinh, lại đúng màu mình thích là màu tím, và giá bán khá rẻ nên quyết định mang về luôn. Điểm mà mình thích ở cái âu này là thành âu khá cao nên có thể dùng máy đánh trứng cầm tay đánh thoải mái mà không sợ bắn ra ngoài. Ngoài ra thành âu cao cũng giúp trộn bột khá gọn và dễ nữa. Các bạn có thể cân nhắc điều này nếu có ý định mua âu trộn bột nhé.
2. Khuôn và cup giấy.
Khuôn làm muffin có rất nhiều loại. Loại phổ biến và thường thấy là khuôn như dạng khay nướng, có nhiều lỗ để đổ bột vào như trong hình trên. Tùy theo kích cỡ của lỗ mà một khay có thể có 6, 12 hoặc 24 lỗ. Ưu điểm của loại khuôn này là tiện, đặc biệt là lúc lấy bánh ra, nhưng nhược điểm là vướng và tốn chỗ, nhất là nếu khuôn làm bằng kim loại. Có một loại khuôn khác giúp khắc phục nhược điểm vướng này là khuôn silicon (hình dáng như khuôn kim loại nhưng làm từ silicon nên mềm & dẻo). Khuôn silicon thì có thể gấp cho nên rất tiết kiệm diện tích. Ngoài ra khâu vệ sinh có vẻ đơn giản và sạch sẽ hơn kim loại. Nhưng có vẻ như là khuôn silicon đắt hơn khuôn kim loại thì phải – cái này mình không chắc lắm vì chuyện mua bán khuôn ở Việt Nam ra sao mình không được rõ.
Mình thì có một bộ 12 khuôn silicon rời (như các bạn có thể thấy trong ảnh đầu tiên), và mình rất rất ưng bộ này. Lý do là các khuôn nhỏ xinh và gọn, lại là khuôn rời nên không tốn chỗ tẹo nào. Về sau cũng có thể dùng làm cupcake luôn nữa. Và thật ra thì đây là khuôn rẻ nhất mà mình tìm thấy trong các cửa hàng ở Antwerp :D Chẳng hiểu sao, có lẽ một phần là do brand, một phần là các khuôn kim loại khác đều là khuôn chống dính nên giá thành khá cao.
Việc chọn khuôn thế nào thì có lẽ là tùy vào sở thích, nhu cầu (chẳng hạn bạn thích làm bánh cỡ to hay nhỏ), túi tiền và diện tích bếp nhà bạn (có nhiều chỗ để khuôn hay không…). Mình chỉ có một gợi ý nhỏ là mình thấy một số chị em ở Việt Nam mua các cốc rời bằng kim loại, kiểu giống như cốc làm caramel (flan) ấy. Cốc này thì ngoài việc làm bánh ra còn có thể dùng làm caramel nữa, mình nghĩ cũng tiện, và chắc cũng ít tốn chỗ hơn khuôn liền. Địa chỉ mua khuôn ở đâu nếu bạn không biết thì hỏi Google nhé :)
Làm muffin, nếu khuôn không chống dính thì khi nướng có thể chống dính bằng cách bôi dầu hoặc bơ lên thành khuôn, sau đấy phủ một lớp bột khô lên lớp dầu/bơ này, rồi nướng như bình thường. Nhưng có một cách khác đơn giản và sạch sẽ hơn (và đẹp hơn nữa ;) ) là dùng cup giấy lót vào khuôn. Nhìn chung thì mình thấy tại các cửa hàng bán đồ làm bánh bây giờ đều có rất nhiều loại cup giấy cho bạn lựa chọn, với đủ kích cỡ, màu sắc và họa tiết trang trí. Mình chỉ có một lưu ý nhỏ là các bạn mua cup giấy nhớ chọn loại vừa với khuôn :) Tại vì bản thân mình đã làm một chuyện rất củ chuối là mua cup giấy trước, mua khuôn sau và không thèm đo gì cả vì “trông nó có vẻ nhỏ giống nhau” :D Kết quả là bây giờ ở nhà đang thừa một hộp cup giấy do không vừa với khuôn :”>
3. Cân và bộ thìa đong
Đây là thứ rất rất rất nên có nếu bạn hay nấu ăn (chưa nói đến làm bánh, chỉ nấu ăn thôi nhé). Thật ra trước đây mình khá là tùy tiện trong việc đong đếm, gia giảm khi nấu, thường là chỉ đong bằng mắt, áng chừng vậy thôi. Nhưng sau này khi có cân và thìa đong rồi mới thấy là đỡ hơn rất nhiều vì mọi thứ đều chính xác, lần nào cũng như lần nào (viết công thức nấu ăn cũng yên tâm hơn nữa ;) )
Đấy là với nấu ăn, còn với làm bánh thì có lẽ cân là thứ không thể thiếu. Bởi vì làm bánh thì không thể nào áng lượng bột & đường bằng mắt được (ah, thật ra là cũng có thể nhưng đấy là khi bạn đã là siêu cao thủ rồi, còn giờ mình mới học thì phải đo chính xác). Ngoài cân ra thì mình có hai bột thìa đong. Một bộ thìa đong theo đơn vị tablespoon và teaspoon, có 5 cái tất cả, từ 1/8 teaspoon đến 1 tablespoon. Bộ thìa còn lại thì để đong chất lỏng, có các loại thìa 5, 10, 50 và 100ml. Nhìn chung là tiện. Bộ thìa đong loại thứ nhất theo mình biết là ở Việt Nam bây giờ cũng có bán khá phổ biến. Còn ở bên này thì mua đơn giản quá rồi, bạn có thể tìm thấy ở IKEA hoặc bất kì một cửa hang bán dồ làm bếp nào cũng được.
(ngoài hai loại thìa đong ở trên thì mình thấy còn có cả bộ thìa đong theo đơn vị cup cho nguyên liệu khô và nguyên liệu là chất lỏng, nếu có điều kiện thì có thể mua cũng được, mình thì tạm thời chưa thấy thật cần nên chưa đầu tư :) )
4., 5., và 6. Rây bột thì phải có để giúp cho bột được hoàn toàn mịn và loại bỏ các thứ sạn bẩn nếu có. Hộp đựng bánh là do mình thấy xinh nên mua thôi :”> các bạn có thể đựng trong hộp đựng thức ăn bình thường, nhưng là hộp kín, để giúp bánh đỡ bị khô. Lò nướng thì đương nhiên rồi :D
Sau khi đã có đầy đủ dụng cụ, thì giờ là lúc nghĩ đến chuyện mua nguyên vật liệu để làm bánh. Thời gian tới, sau khi đỡ bận hơn thì chắc mình sẽ cố gắng đọc sách và tìm hiểu kĩ hơn về các loại bột, đường, kem.. khác nhau (công dụng, cách phân biệt…) và sẽ viết bài chia sẻ sau nhé :) Tạm thời bây giờ để làm muffin thì những thứ nguyên liệu cơ bản cần có là
1. Bột mỳ thường (bột mỳ đa dụng). Tiếng anh là plain flour hay là all-purpose flour. Một số loại bột khác có thể sẽ làm bạn nhầm lẫn là self-rising flour và cake flour. Self-rising flour là bột mỳ đã trộn với bột nở và có thể cả muối. Làm bằng loại bột này thì không phải lo trộn bột nở vào trong bột mỳ nữa. Nhưng mình nghĩ tập làm bánh thì làm với thứ nguyên liệu cơ bản nhất là bột mỳ vẫn tốt hơn. Cake flour là loại bột hay được dùng để làm các loại bánh bông lan có kết cấu xốp, nhẹ, mềm, làm muffin thì có vẻ là không cần thiết.
2. Đường. Đường làm muffin mình thấy khá đa dạng, một số công thức dùng đường trắng (đường kính thường), một số dùng đường nâu, nên phần này không có gì phải chú ý hay lăn tăn cả.
3. Bột nở (baking powder)
4. Thuốc muối (baking soda)
ngoài mấy thứ trên thì các thứ nguyên liệu còn lại đều thuộc dạng cơ bản và sẵn có kiểu như trứng, sữa tươi, bơ, dầu ăn, và nhiều nguyên liệu khác nữa tùy theo bạn muốn làm loại muffin gì. Cũng có một số lưu ý khi sử dụng trứng, bơ và sữa nhưng tại thời điểm này mình nghĩ là chưa thật cần thiết phải nhớ, chỉ cần các nguyên liệu thật tươi là uki rồi.
Về phần dụng cụ và nguyên liệu cần chuẩn bị cho muffin mình nghĩ chỉ có từng này thứ thôi. Chắc là đầy đủ hết rồi. Nếu trong quá trình làm tự nhiên mình nhớ ra thêm cái gì hoặc học được thêm cái gì hay thì sẽ bổ sung sau nhé :)
Mọi thứ chuẩn bị đầy đủ rồi thì giờ là bắt tay vào nướng thôi. Vì bài này cũng dài quá rồi nên các công thức mình tách ra viết riêng trong bài mới, sẽ cố gắng up sớm trong hôm nay và ngày mai. Và mong là sẽ nhận được góp ý của cả nhà, đặc biệt là các chị em đã có nhiều kinh nghiệm làm bánh nha :)
55 phản hồi tới Nhật ký làm bánh – Phần 2 (tiếp): Muffin – Dụng cụ & nguyên liệu cần thiết
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Sáu 9, 2017 vào 9:40 sáng #
Không biết nói gì hơn. Cám ơn Linh Trang nhìu. Quá tuyệt vời vì có SD