Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
-
- Chuẩn bị
-
- Nấu/Nướng
-
- Độ khó
- Công thức
Phần 1: Làm thế nào để bánh mì có vỏ giòn mỏng và ruột dai xốp
Với bánh mì Việt Nam, kĩ năng và kinh nghiệm quan trọng hơn bản thân công thức rất nhiều. Cho nên, có thể trong những lần thử đầu tiên, các bạn sẽ không hoàn toàn có chiếc bánh ưng ý 100%. Nhưng đừng vì vậy mà nản lòng. Bản thân mình cũng phải làm đến gần chục lần mới thấy tạm ổn. Mọi thứ đều cần quá trình, điều này đặc biệt đúng với bánh mì Việt Nam. Nên nếu các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm bánh mì, thì với lần thử thứ 1, 2, thậm chí đến 3, 4, cứ xác định là có bánh ăn được đã nhé, rồi từ từ làm nhiều tự khắc bánh sẽ ngon và đẹp hơn :)
Thời gian này mình bận nên không trả lời phản hồi được. Nhưng sau bài viết này sẽ có một bài tổng hợp lỗi và thất bại thường gặp khi làm bánh mì vỏ giòn nói chung nhé. Hi vọng sẽ giải đáp được ít nhiều khó khăn mà các bạn gặp phải khi làm món bánh này :)
Bánh mì kẹp thịt kho và trứng ốp-la ^.^
Bài viết này sẽ rất dài, vì mình muốn mô tả lại cả quá trình làm kèm theo các chú thích tại sao lại nên làm như vậy. Cho nên cả nhà cố gắng đọc kĩ nhé. Tốt nhất là nên đọc một vài lần cho “ngấm” rồi mới làm, sẽ bớt bỡ ngỡ khi làm hơn (nhất là với những ai chưa làm bánh mì bao giờ).
Như mình có viết trong bài trước là có hai cách làm bánh mì Việt Nam (ở mức độ trung bình, không quá khó và không đòi hỏi rất nhiều kĩ năng) là công thức có và không dùng dấm. Mình sẽ giới thiệu cả hai công thức trong bài này để các bạn tùy chọn (ưu nhược điểm của từng công thức thì các bạn xem trong bài trước nhé).
————–
BÁNH MÌ VIỆT NAM – CÔNG THỨC 1 (KHÔNG DÙNG DẤM)
Nguyên liệu (cho 5 – 6 cái bánh dài 15 – 17 cm)
- 200 gr bột làm bánh mì
- 5 gr men instant
- 120 – 130 gr nước (mát)
- 8 gr đường
- 2 gr muối
* Các lưu ý về nguyên liệu:
1. Nên dùng bột chuyên dụng làm bánh mì (bread flour) với hàm lượng protein nằm trong khoảng 11,5 – 12,5%. Bột có protein thấp hơn sẽ khó cho thớ bánh dai. Bột có protein cao hơn sẽ cần nhiều nước và thớ bánh có thể sẽ thô và cứng hơn.
2. Men instant là men không cần kích hoạt. Có thể dùng men tươi hoặc men khô (dry yeast), nhưng với men khô sẽ cần kích hoạt. Cách kích hoạt men khô và cách quy đổi lượng men tươi, các bạn xem tại bài viết này. Men làm bánh mì khác với bột nở, muối nở, men rượu… không thay thế được cho nhau.
3. Với bánh mì Việt Nam, dùng nhiều nước sẽ tốt hơn là ít nước. Tỉ lệ nước thông thường trong các công thức bánh mì vỏ giòn nói chung là nước = 60% bột. Tức là cứ 100 gr bột (12% protein) thì dùng 60 gr nước. Ít nước hơn thường sẽ làm cho bánh bị khô và không để được lâu, cũng không nở được nhiều và ruột kém xốp.
60% là tỉ lệ trung bình. Các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm bánh mì, đặc biệt là chưa có kinh nghiệm nhồi bột nên dùng tỉ lệ này. Bột sẽ ướt vừa phải, dễ nhồi và không dính tay. Còn nếu bạn đã quen làm bánh mì, đã quen nhồi bột thì có thể tăng lên khoảng 63 – 65 %.
Tỉ lệ nước: bột mà mình thường dùng là trong khoảng 65 – 68%. Nước nhiều giúp bánh nở tốt hơn, để được lâu hơn, thớ bánh dai hơn và các lỗ khí cũng “đẹp” hơn. Tuy nhiên, với bánh mì VN thì chỉ nên dùng nước trong khoảng 60 – 70% bột thôi. Nhiều nước hơn vẫn có thể cho bánh ngon nhưng vì bột nhão nên nhồi bột sẽ rất mệt, và bánh cũng khó giữ dáng, thường thì bột sẽ chảy bè ra.
Cần lưu ý là: lượng nước có thể thay đổi tùy vào loại bột, độ cũ mới và hàm lượng protein trong bột: bột cũ hút nước nhiều hơn bột mới, bột có lượng protein cao hơn sẽ hút nước nhiều hơn. Vì vậy nên khi làm, các bạn cần linh hoạt trong việc điều chỉnh lượng nước cho hợp với loại bột mà bạn sử dụng nhé.
4. Đường, muối, dầu ăn đều ít nhiều ảnh hưởng đến độ dai của thớ bánh và độ xốp của bánh. Nếu muốn bánh nở tốt nhất, đạt mức tối đa thì có thể bỏ tất cả những nguyên liệu này. Nhưng như vậy bánh sẽ khá nhạt nhẽo nên trong công thức trên mình có cho ít muối và đường, không dùng dầu ăn hay bơ.
Cách làm
1. Cho bột và men vào âu. Quấy cho men hòa lẫn vào bột. Cho đường, muối, nước. Dùng thìa hoặc đặt máy trộn ở tốc độ thấp nhất, trộn đến khi các nguyên liệu hòa quyện thành một khối và không còn thấy bột khô.
* Ghi chú:
– Vì men là loại instant nên không cần kích hoạt trước. Nhưng nếu muốn thử men, các bạn có thể kích hoạt cũng không sao.
– Nếu trộn bằng máy, nên dùng nước mát vì hoạt động nhồi của máy sẽ làm khối bột nóng lên. Nếu dùng nước ấm ngay từ đầu, sau một thời gian nhồi, bột có thể sẽ nóng hơn nhiều, làm ảnh hưởng đến hoạt động của men, tạo ra mùi vị không ngon hoặc men bị chết.
2. Để bột nghỉ trong khoảng 10 phút. Nếu thời tiết khô, có thể dùng một miếng nilon hoặc khăn vải đậy lên miệng âu để mặt bột không bị khô.
Việc để bột nghỉ sẽ giúp cho các sợi gluten tự hình thành và có thời gian “thư giãn”. Kết quả là khối bột sẽ bớt ướt dính, nhồi sẽ dễ dàng hơn (đặc biệt nếu nhồi bằng tay), không mất sức và không phải thêm quá nhiều bột áo. Kể cả dùng máy cũng nên để bột nghỉ, sẽ tránh được việc phải nhồi bột quá nhiều làm cho bột bị nóng lên.
3. Sau khi bột nghỉ 10 phút, nhồi bột đến khi mặt bột mịn hơn và có độ đàn hồi tốt hơn. Nếu nhồi tay sẽ mất khoảng 10 – 15 phút. Mình dùng que xoắn của máy Bosch cầm tay (công suất 550W) nhồi mất khoảng 5 – 7 phút ở tốc độ 2-3/5 (5 là cao nhất). Tiếp tục để bột nghỉ thêm 5 – 10 phút.
4. Sau khi bột đã nghỉ, nhồi bột thêm 5 – 10 phút, đến khi bột rất dai và mịn (bước này mình nhồi tay). Lí tưởng nhất là có thể kéo màng mỏng như trong hình dưới. Nếu không kéo được màng cũng không sao, nhưng tối thiểu cần nhồi đến khi mặt bột mịn và có độ đàn hồi tốt (khi ấn ngón tay vào thấy vết lõm phồng trở lại).
Bột sau khi nhồi xong sẽ khô ráo, mịn, cầm khối bột lên thấy có độ dẻo dai và mềm. Khi sờ vào có cảm giác hơi dính nhưng khi nhấc ngón tay lên thì bột không dính theo tay. Bột như vậy là có lượng nước đủ chuẩn.
Nếu khối bột mịn, đàn hồi nhưng lại có cảm giác đặc và chắc, khi thử dính hai mép bột với nhau thấy bột khó dính liền thì nhiều khả năng là khối bột hơi khô quá (rút kinh nghiệm để lần sau cho nhiều nước hơn nhé :) )
Bột trong hình dưới mình dùng nước = 68% bột, vì nhiều nước nên bột khá mềm, đặt trên tay có thể chảy xuống như vậy
5. Chuẩn bị một chiếc âu, nồi hoặc hộp lớn (tốt nhất là có nắp đậy). Cho một chút dầu ăn vào âu, xoa cho dầu bao quanh lòng âu. Đặt bột vào âu. Đậy nắp để ủ bột. Nếu không có nắp đậy thì có thể dùng nilon hoặc khăn phủ lên mặt âu.
Ủ ở nhiệt độ ấm (khoảng 30 – 35 độ C), thấp hơn cũng không sao, nhưng sẽ phải đợi lâu hơn (vì men hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ ấm như trên)
6. Khi bột nở khoảng hơn gấp rưỡi một chút (mất khoảng 50 – 60 phút tùy vào nhiệt độ ủ) thì nhẹ nhàng lấy bột ra khỏi âu. Để bột lên mặt phẳng có phủ sẵn một lớp bột áo mỏng. Cố gắng nhẹ tay để bột xẹp ít nhất. Vì sau lần ủ 1, trong bột có rất nhiều không khí. Nếu có thể giữ lại được các phần khí này, thì bánh thành phẩm sẽ xốp hơn và các lỗ khí cũng to nhỏ khác nhau (giống kiểu bánh mì VN hơn).
Bột sau khi ủ lần 1 và lấy ra khỏi âu
7. Dùng cân chia bột thành các phần bằng nhau. Với 1 công thức trên thì mình thường chia thành 5 phần bột nhỏ, mỗi phần nặng khoảng 65 gram.
8. Chuẩn bị khay hoặc dụng cụ nướng. Như mình đã giải thích trong bài trước, để bánh nở tốt và đế bánh giòn, các bạn nên chọn khay hoặc dụng cụ có thể truyền nhiệt nhanh và cao như baking stone, pizza stone, hoặc khay đen đi kèm với lò (lót giấy nến chống dính). Nếu có khuôn chuyên dụng nướng baguette thì rất tốt vì khuôn có lỗ hở nên sẽ tạo điều kiện cho hơi nước từ dưới bốc lên, tác động lên vỏ bánh ở dưới đế, giúp bánh giòn đều hơn.
9. Dùng tay nhẹ nhàng dàn đều các phần bột thành hình chữ nhật. Nên dùng tay thay vì cán bột vì động tác cán sẽ làm vỡ nhiều túi khí bên trong bột. Bột có thể sẽ rất đàn hồi và co lại rất nhiều, nên chỉ cần dàn thành một miếng bột có độ rộng khoảng 8 – 10 cm là được.
Làm hết cả 5 phần bột rồi quay lại phần đầu tiên. Như vậy, bột sẽ có một khoảng thời gian nghỉ, các thớ bột (sợi gluten) sẽ được “thư giãn” và bớt co hơn.
10. Cuộn bột lại như sau:
Đầu tiên là dàn bột cho mỏng hơn (dàn bằng tay nhé), độ dài miếng bột khoảng 12 – 14 cm
tiếp theo, gấp hai mép trên của bột lại, để tạo ra một “chỏm” bột như trong hình
rồi gấp phần “chỏm” bột này xuống
tiếp theo, từ từ cuộn bột lại
cố gắng cuộn chặt tay và mím các mép bột sau mỗi lần gấp
mím các mép bột lại với nhau
11. Làm lần lượt hết cả 5 miếng bột. Tiếp theo, dùng lòng bàn tay (cả hai tay) vê cho từng cuộn bột dài và thuôn hơn. Bột sẽ nở phình ra khá nhiều nên cuộn bột có dáng thuôn dài sẽ cho bánh thành phẩm đẹp hơn (nếu ngay từ bước này bột đã hơi béo mập thì bánh thành phẩm có thể sẽ hơi bè và phình theo chiều ngang).
12. Đặt bột lên khuôn. Bánh sẽ nở rất to nên cần chừa khoảng cách rộng giữa hai khối bột, tránh cho bánh bị dính vào nhau.
Ngoài bánh mì ổ dài, các bạn cũng có thể vê bột làm bánh mì tròn nữa :)
nếu dùng khay nướng thì nên lót giấy nến để chống dính
hoặc có thể dùng khay nướng baguette
13. Ủ bột ở nơi ấm áp và ẩm. Cách tiện nhất là bật lò nướng ở khoảng 50 độ C trong khoảng 3 – 5 phút, để nhiệt độ trong lò đạt khoảng 30 – 40 độ C. Không được để nhiệt nóng hơn vì sẽ làm men yếu hoặc chết men, bánh nở kém. Đặt khay bánh vào lò, kèm theo một cốc nước sôi để giữ ẩm cho bánh. Hoặc có thể dùng bình xịt hơi nước lên thành lò để tạo hơi ẩm (không xịt lên mặt bánh).
Không nên phủ khăn hay nilon lên mặt bột vì những thứ này có thể sẽ dính vào bột, khi kéo ra dễ làm bột bị xẹp.
14. Thông thường, sẽ cần làm nóng lò nướng đến khoảng 240 – 250 độ C. Với lò nhà mình thì để làm nóng đến mức này sẽ cần khoảng 25 phút. Nên mình ủ đến khi bánh nở khoảng gấp rưỡi (sau 30 – 40 phút) thì lấy bánh ra khỏi lò rồi bật lò ở mức cao nhất (250 độ C với lò nhà mình) – chế độ hai lửa.
Bánh sau khi lấy ra có thể tiếp tục ủ ở nhiệt độ phòng. Những phút gần cuối nên để mặt bánh hở, cho mặt bánh khô bớt, khi rạch bánh sẽ dễ hơn.
Trong khi đợi lò làm nóng, đun một ấm nước sôi để có nước tạo hơi khi nướng bánh. Cho nước vào bình xịt hoặc chuẩn bị chổi và 1 bát nước để quét nước lên mặt bánh.
15. Khi lò đã đủ nóng và bánh nở được gần gấp đôi thì rạch bánh để nướng. Dùng dao sắc rạch một đường dài dọc theo thân bánh. Có thể rạch nhẹ một lần để tạo vết nứt trên mặt bánh rồi lách dao vào rạch sâu hơn (độ sâu của vết rạch khoảng 5 – 7mm). Nên cầm dao để sao cho lưỡi dao nghiêng và tạo ra vết cắt xiên vào trong vỏ bánh, thay vì cầm dao thẳng đứng và tạo vết rạch thẳng từ trên xuống.
Về cách rạch bánh mình sẽ viết cụ thể hơn trong bài sau về các lỗi thường gặp khi làm bánh mì Việt Nam. Nhưng để vết rạch đẹp thì cần ủ để bánh nở chỉ vừa đủ. Nếu bánh nở quá nhiều, khi rạch bánh có thể sẽ xẹp. Nếu ủ quá ít, bánh sẽ nở nhiều trong lò làm vết rạch kém sắc nét.
Bánh sau khi ủ lần 2 (mình ủ hơi quá một chút, thành ra khi rạch bánh hơi xẹp tí tẹo)
rạch bằng dao rạch bánh mì (các bạn có thể dùng lưỡi dao lam thông thường, không nhất thiết phải có dao rạch chuyên dụng nhé)
16. Ngay sau khi rạch xong, xịt nước ướt đẫm mặt bánh, đặc biệt là các vết rạch (có thể quét nước ướt mặt bánh, nhưng xịt thì nhanh và tránh được việc bánh có thể bị xẹp hơn). Các bạn lưu ý khi xịt thì để bình xịt cách xa mặt bánh một chút, tránh để hơi nước phun quá mạnh cũng có thể làm xẹp bánh.
Đeo găng tay. Đặt một chiếc khay rộng lên sàn lò (hoặc lên thanh phía trên sàn lò). Cho bánh vào lò. Nhanh chóng đổ nước sôi vào khay. Tiếp theo xịt nước lên khắp thành lò phía trên khay bánh rồi nhanh chóng đóng cửa lò lại.
mình đặt khay trên sàn lò, khay đựng bánh đặt trên rack, rack ở thấp hơn rãnh giữa 1 nấc (lò có 5 nấc đặt khay)
Nhiệt độ nướng và thời gian nướng sẽ thay đổi tùy theo từng lò, nhưng quá trình nướng của mình thì cụ thể như sau:
– 5 phút đầu tiên nướng ở 240 – 250 độ C: bánh nở nhanh và to (có thể nhanh tay mở cửa lò và xịt nước lên mặt bánh từ 1-2 lần trong khoảng thời gian này).
– Khi bánh đã nở nhiều thì hạ xuống 220 – 230 độ C. Nướng thêm 2 – 3 phút, khi mặt bánh bắt đầu hanh vàng thì mở lò, quay ngược khay bánh (vì nhiệt trong lò không đều nên quay khay sẽ giúp bánh vàng đều).
– Nướng thêm khoảng 2- 3 phút nữa, khi mặt bánh đã tương đối vàng thì dùng giấy bạc đậy lên mặt bánh, hạ nhiệt xuống khoảng 200 độ C, nướng thêm 3 – 4 phút. Có thể rút khay nước ra ngoài để vỏ bánh giòn hơn. Giấy bạc sẽ giúp cho mặt bánh không bị cháy nếu nhiệt trên quá cao.
– Với bánh làm từ 65 gr bột thì thường sau khoảng 15 – 17 phút bánh sẽ chín. Khi bánh chín, các bạn có thể tắt lò, để bánh trong lò thêm khoảng 3 – 5 phút. Việc này sẽ giúp bánh giòn hơn. Nhưng không nên để quá lâu, vỏ bánh sẽ dễ bị dày và cứng.
Nếu bánh to hơn sẽ cần nướng lâu hơn, các khoảng thời gian ở từng bước trên cũng dài hơn.
* Lưu ý: Hơi nước trong lò rất nóng, có thể gây bỏng, đặc biệt cho những phần nhạy cảm như mắt. Vì vậy nên trong quá trình nướng cần:
- Đeo găng tay
- Đứng cách sang một bên khi mở cửa lò. Không để mặt ở ngay trước lò (tránh cho hơi nước bốc ra phả thẳng vào mặt)
- Nếu trong nhà có trẻ nhỏ, cần giữ bé tránh xa lò khi đang nướng bánh
Bánh nở trong lò :)
17. Bánh chín lấy ra khỏi lò. Để bánh bớt nóng. Nên để bánh nguội trong tối thiểu 15 – 20 phút rồi mới dùng. Nếu cắt bánh quá sớm, hơi nước không kịp thoát ra ngoài sẽ làm phần ruột bánh bị bết và dính vào nhau.
Bánh thành phẩm đạt sẽ có lớp vỏ vàng, mỏng, giòn tan. Ruột xốp, nhiều lỗ khí to nhỏ khác nhau và dai. Một vài công thức có yêu cầu vỏ bánh phải có vết rạn (để chứng tỏ là bánh giòn), nhưng mình không cho là như vậy. Thật ra thì để có vết rạn, cần vỏ bánh khô và lấy ra khỏi lò khi bánh đang rất nóng, gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột, vỏ bánh sẽ tự nứt tạo ra các đường rạn này. Nhưng nếu các bạn để bánh trong lò thêm một vài phút sau khi nướng xong như mình thì khi lấy ra khỏi lò, vỏ bánh sẽ khó rạn. Mặc dù vậy, vỏ bánh vẫn rất giòn, nên không cần phải để ý đến vụ “rạn nứt” này quá nhé.
Bánh để nguội sẽ bớt giòn hơn tí tẹo nhưng vỏ sẽ mềm và dai chứ không bị cứng. Nên dùng bánh càng sớm càng tốt. Nếu muốn để qua ngày, nên bảo quản trong túi giấy (không dùng túi nilon). Khi dùng nướng bánh lại ở khoảng 160 – 170 độ C trong 3 – 4 phút tùy cỡ bánh. Bánh sau khi nướng sẽ giòn trở lại. Không để bánh lâu trên 2 ngày.
bánh mới ra lò, đợi kẹp nhân ^.^
vỏ giòn rụm, ruột mềm xốp, thịt kho thơm béo ngậy, thêm trứng và ít rau mùi
sơn hào hải vị cũng không so được đâu, đảm bảo đấy ;)
————–
BÁNH MÌ VIỆT NAM – CÔNG THỨC 2 (DÙNG DẤM)
Nguyên liệu
- 200 gr bột làm bánh mì
- 110 – 120 gr nước
- 5gr men instant
- 7 gr dấm (5% acid)
- 2 gr muối
- 8 gr đường
* Ghi chú:
– Các ghi chú về cơ bản giống với ghi chú trong công thức 1. Riêng với dấm thì lượng trong công thức: 7 gr dấm (5% acid) là lượng tối đa nên cho vào bánh (cho nhiều hơn bánh sẽ chua). Nếu dấm của bạn có độ acid cao hay thấp hơn, cần thay đổi lượng dấm cho phù hợp.
– Nước nên giảm một chút vì mình cảm giác là khi có dấm, bột ướt hơn, vì vậy khi nhồi (tay) cũng khó hơn.
Cách làm
1. Trộn bột như trong công thức 1. Tổng thời gian trộn bột (cả để nghỉ) cố gắng làm trong khoảng 25 – 30 phút.
2. Sau khi trộn xong, để bột nghỉ 10 – 15 phút rồi tạo hình và ủ để nướng. Vì trong công thức có dấm nên cần rút ngắn thời gian ủ, nếu ủ lâu theo cách thông thường, bánh sẽ rất chua.
3. Các thao tác tạo hình và nướng giống với công thức 1. Khi tạo hình cũng nên làm nhẹ nhàng và dùng tay thay cho cán bột, bánh sẽ nở xốp hơn. Thời gian ủ bánh có thể sẽ ngắn hơn trong công thức 1 vì dấm có tác động làm bánh nở nhanh hơn trong khi ủ.
Về cơ bản thì công thức này có thời gian làm ngắn hơn, dấm giúp bánh nở to và xốp nên có thể cán bột chứ không cần làm nhẹ tay như công thức 1. Nhưng về mùi vị mình thích bánh làm từ công thức 1 hơn vì bánh có mùi thơm rất tự nhiên từ bột mì, để qua ngày cũng không hề bị chua, không bị bở.
——————-
Phần công thức đến đây là hết. Mình nghĩ tất cả những gì các bạn cần để làm bánh mì vỏ giòn ruột xốp đều có đủ ở trên rồi. Cuối tuần mình sẽ viết thêm một bài nữa, chia sẻ về một vài kinh nghiệm của mình khi làm bánh, cách rạch bánh và tổng hợp các lỗi/ khó khăn/ thất bại thường gặp khi làm bánh mì vỏ giòn và các cách khắc phục nhé.
96 phản hồi tới Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Mười Một 27, 2017 vào 9:48 sáng #
Trang ơi, Trang viết công thức hướng dẫn làm các loại nhân và nước sốt bánh mì đi Trang. Mình rất mong chờ nội dung này của Trang.
Tháng Sáu 7, 2017 vào 12:30 chiều #
Chị Trang ơi em tìm không thấy hướng dẫn làm các loại nhân bánh mì, chỉ có pate, bơ, chả lụa. Chị có thể làm 1 bài về sự đa dạng các loại nhân trong bánh mì việt được không?
Chúc chị khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người hơn nữa :)
Tháng Hai 17, 2017 vào 5:43 chiều #
Chị Trang ơi cho e hỏi tại sao lúc e nướng bánh trong lò thì bánh bị xẹp hơn so với lúc mới đưa vào ạ mặc dù ruột bánh rất xốp:(( c bắt bệnh hộ e vơi. E cảm ơn c trước ạ!
Tháng Hai 11, 2017 vào 11:24 chiều #
Chị Linh Trang ơi. E muốn làm bánh cho bé ăn dặm thì e có thể bỏ muối và đuờng đi đuợc không? E hi vọng đuợc chị phản hồi ạ
Tháng Hai 15, 2017 vào 8:26 sáng #
có thể bỏ đường nhưng nếu có chút muối thì tốt hơn em ah
Tháng Hai 17, 2017 vào 1:02 sáng #
Dạ e cảm ơn c ạ. Nếu đuợc c cho e hỏi thêm. Ct lagm gato e thay thế bột ngô bằng bột khoai tây đuợc không hả c? E làm cho bé ăn nên k muốn dùng bột ngô, ngô VN tòan GMO thôi. Và hi vọng sau này c sẽ có những công thức bánh trái dành cho các bé đang độ tuổi ăn dặm ạ.
Tháng Một 10, 2017 vào 9:26 chiều #
Chị Trang ơi, em dùng chức năng nhồi và ủ bột của Home Bakery rồi bắt đầu làm từ bước thứ 7 đc ko ạ? Có cần thay đổi tỉ lệ ko hả chị?
Tháng Mười Hai 31, 2016 vào 9:57 sáng #
Chào bạn Trang,
Công thức và hướng dẫn làm bánh mì vỏ giòn VN của bạn, đặc biệt là cách nướng bánh, tương đối khá chính xác so với bất cứ công thức nào khác ở trên mạng. Trong công thức dùng giấm, bạn có thể thay thế giấm bằng buttermilk. Theo công thức của bạn, chỉ cần sử dụng 1 tsp – 2 tsp là đủ. Nếu bạn có buttermilk powder thì trộn chung với bột cũng được. Mình đã thử cả 2 cách, có và không có buttermilk. Thú thật là mình thích có buttermilk hơn, tại vì ruột bánh mì mềm hơn những vẫn đủ độ dai khi bánh đã nguội. Tuy nhiên, cái khó nhất khi làm bánh mì VN vỏ giòn nhưng mỏng là canh lửa oven trong lúc nướng bánh. Vấn đề này thì cũng như bạn viết, tuỳ mỗi oven. Cảm ơn bạn đã cho mình một công thức mà dựa vào đó mình viết ra được công thức riêng của mình.
Tháng Mười Một 18, 2016 vào 8:45 sáng #
Chị Trang ơi,
Bình thường em làm bánh mì bằng phương pháp ko cần nhồi bột vì thuật tiện với gia đình ăn và với đứa chưa làm bánh mì bao giờ như em (no-knead artissan bread). Và công thức basic chỉ có 3 cup bột, 1/4 tsp men, 360ml nước lạnh, 1tsp muối, 1tbsp đường (optional). lần 1 ủ 8 tiếng chỉ ở nhiệt độ thường (25-30 độ) sau đó “degas, pull & stretch” chỉ bằng cách khuấy đều, không nhào, lần 2 ủ 1 tiếng. Nướng 220 độ trong khoảng 15p bằng khay đen có lót giấy nến.
Tuy nhiên thành phẩm ra em thấy vỏ dày (hình như bình thg các bác Tây hay thích thế để cắt lát ra ăn sáng dần), ruột xốp đặc và dai (dai hơn bánh mì VN rất nhiều).
Vậy nếu em vẫn làm theo phương thức no-knead này mà muốn vỏ bánh mỏng hơn, ruột mềm hơn thì có thể thêm thắt gì không chị? (Ví dụ như thêm dầu ăn/ xịt nước thành lò/ thay 1 phần bột bằng sữa bột…) Chị gợi ý cho em với.
Em cảm ơn chị nhiều ạ
Tháng Mười Một 20, 2016 vào 5:25 sáng #
Không áp dụng được công thức no-knead để làm bánh mì vỏ giòn của VN đâu em ah, vì loại bánh này đòi hỏi tỉ lệ nguyên liệu và cách ủ đặc biệt, không thể sửa để thành bánh mì VN được.
Tháng Mười Một 4, 2016 vào 7:48 chiều #
Bạn ơi, mình ở pháp, mặc dù bánh mỳ pháp rất ngon nhưng mình vẫn nhớ bánh mỳ vn và rất muốn làm thử, bạn có thể cho mình biết dry yeast tương đương với Cái gì bằng tiếng pháp ko bạn? Mình thấy ở đây các loại muối nở, men nở, bột nở nó chẳng rõ ràng gì cả.. Cái nào thành phần trên gói cũng ghi giống nhau hết. Bạn biết thì làm ơn giúp mình nha. Cảm ơn bạn nhiều.
Tháng Mười Một 5, 2016 vào 4:52 sáng #
Mình chỉ biết tiếng Pháp men nở là levure thôi, còn cụ thể hơn thì mình cũng không rõ. Nhưng hầu hết các men khô mà mình mua ở siêu thị bên này đều là instant hết nên có thể ở Pháp cũng vậy. Để cẩn thận thì bạn có thể kích hoạt nhé, men instant có kích hoạt cũng không sao cả.
Tháng Mười 28, 2016 vào 8:27 chiều #
Chị lót bằng giấy nến em ạ.
Kiểm tra nhiệt độ lò, thì lò chỉ lên được 230 độ. Khi chị chuyển khay và rót nước sôi, thì tụt không phanh xuống 190, 180 hihi.
Chị đặt khay sát với thanh nhiệt trên.
Mỗi lần xịt thêm nước, mở rất nhanh tay, mà vẫn tụt, lò cũng không lên đc 200 trong suốt thời gian nướng.
Bánh vẫn giòn, vỏ mỏng, mỗi cái là bé bỏng hihi.
Thử không dùng khay nước sôi để lò lên nhiệt, thì cũng đạt được 200 độ em à. Không có nước nên bánh cứng vỏ hơn, nhưng kích cỡ so với có nước vẫn vậy em ạ.
Tháng Mười 29, 2016 vào 4:18 sáng #
chị bỏ khay nước ra ngoài cũng được ạ, thay vào đó là xịt ướt mặt bánh và xịt lên khắp khoảng không phía trên bánh. Bánh mì VN cỡ nhỏ và vỏ cũng mỏng nên xịt nước cũng có thể đủ rồi. Chị hạ khay nướng xuống thấp một chút cho bánh chín đều và có thể làm nóng lò ở 250 độ C nhé ạ.
Tháng Mười 24, 2016 vào 10:43 sáng #
Trang ơi, mời em bánh mỳ đây!
https://www.flickr.com/photos/148384735@N07/shares/W6xGzC
Chị rút men đi rồi, bột nở chậm hơn (40, 45 phút) em ạ. Nhưng sao dưa chuột vẫn không lớn. Trong lò có nở tí ti thôi à. Biết đây là vấn đề muôn thuở của các thợ nhà hihi, sao vẫn ngậm ngùi. Thêm nữa là đế bánh còn ẩm ướt và không vàng ruộm nữa. (Chị đã rút khay nước ra khi để 200 độ.) ruột bánh nhẹ nhưng đặc.
Em chỉ giúp lỗi với nhé.
Chị nghĩ do khâu nhào và ủ bột chưa chuẩn. Chị rút kinh nghiệm dùng thêm cây thước để hỗ trợ cặp mắt.
Cảm ơn em nhiều nhé!
Tháng Mười 26, 2016 vào 4:55 sáng #
chị lót khay nướng bằng gì ạ? vì đế bánh màu rất trắng, em nghĩ là khâu nhồi không tệ đâu ạ, ruột bánh khá tốt mà, hơi thiếu thớ một chút thôi
Tháng Mười 11, 2016 vào 8:44 chiều #
Chị ơi cho em hỏi cách làm bánh mì que vỏ mỏng với ạ, em làm theo công thức của chị nhưng dùng để làm bánh mì que mà vỏ bánh mì vẫn hơi dày chị ạ.
Tháng Mười 16, 2016 vào 4:09 sáng #
Vỏ bánh mỏng hay không là do cách nướng, không phải tại công thức đâu em ah. Nếu em nướng trong thời gian vừa đủ với nhiệt độ cao và đủ ẩm thì vỏ bánh sẽ rất mỏng.
Tháng Mười 11, 2016 vào 1:42 chiều #
Chào Trang,
Chị làm theo sách. Bánh ủ thời gian nhanh quá, trong 20 phút (lần 1), và 30 phút (lần 2) đã nở gấp rưỡi rồi. Chị vẫn chưa quen nhồi bột, nên khối bột đàn hồi, nhưng trông không được mịn. Vì bột hút nước nên chị cho thêm 15 g nước nữa. Bánh tạo hình xong thì cho vào tủ lạnh. Sáng chị bỏ ra, bánh có lớp ngoài mỏng, ướt, trông không nở mịn (KL 50gr). Rạch bánh thì bột dính vào dao em ạ, bột vẫn đàn hồi nên cưa kéo mà không đứt được …
Kết quả sau khi bỏ lò là bánh có phần bị co lại so với hình dáng trước khi cho vào lò, bé bằng quả dưa chuột em ạ. Ruột bánh hơi đặc, vỏ chưa được giòn rụm nhưng không dày đâu.
Chị vẫn ăn hết “dưa chuột”, và mò mẫm tìm nguyên nhân thất bại. Em giúp chị bắt bệnh với.
Cảm ơn Trang nhé, và công thức tuyệt vời của em.
Tháng Mười 16, 2016 vào 4:11 sáng #
Bánh nở nhanh như vậy có thể là do men hơi nhiều ạ. Lần sau chị bớt chút men chị nhé, vì men lệch nhau 1 g cũng có thể đưa kết quả khác biệt rồi, mà lượng men nhỏ nên khi cân chuyện bị lệch này khá dễ xảy ra.
Em đang thử công thức mới đơn giản cho người ít kinh nghiệm làm bánh mì, nếu không quá gấp thì chị đợi thêm một chút ạ, em sẽ cố gắng đăng bài sớm :)
Tháng Mười Hai 31, 2016 vào 11:26 sáng #
Chào Quyên,
Khi nướng bánh mì trong lò mà bánh bị xẹp là do bột nở quá nhiều trong lần ủ thứ 2 (over proofed). Sau khi nướng mà ruột bánh ướt có thể là vì dư nước. Khi nướng bánh mì vỏ giòn, nếu Quyên không có khuôn chuyên dụng nướng Baguette thì phải lót cornmeal ( bột bắp cà ) dưới bánh thì đế bánh mới giòn.
Tháng Mười 6, 2016 vào 8:42 chiều #
Lần 1 bột nở khá nhanh,khoảng 30 phut đã nở gấp đôi,nhưng lấy ra xẹp lép là sao ha T?
Tháng Mười 9, 2016 vào 9:40 chiều #
quá nhiều men hoặc ủ ở nơi quá nóng ạ
câu hỏi bài bánh su kem của chị là gì ạ? nhiều phản hồi quá nên không phải khi nào em cũng đủ thời gian trả lời hết được…
Tháng Mười 6, 2016 vào 8:32 chiều #
giải đáp giúp C với T oi:
– C ủ lần 1 nở gấp dôi,lấy bột ra thấy n xẹp lép à,tạo hình được 3 cái
_ủ lân 2 bánh nở thêm 70% thì đem nướng
_khi nướng bánh nở ít lắm
khâu nào C ủ chưa đúng hả T?sao C làm đc co 3 cái có phải là bánh C nở k tốt k?
_ăn xong thấy miệng hơi chua và khô,vậy có phải C nên giảm lượng men k?
T giúp C với,C có đặt câu hỏi trong phần bánh su kem mềm mà k thấy e trả lời,chắc T bận quá.
Tháng Chín 20, 2016 vào 1:51 chiều #
Chào Chị Trang, em hiện đang sống ở Đức. Em đang học tự làm bánh mì. Nhưng em đang phân vân nên chọn loại bột mì nào cho phù hợp. Em dùng loại 812 thì có làm cho bánh cứng quá không chị? Hay dùng loại 550 là đủ rồi? Ở Việt Nam, em nướng bằng lò nướng và không cho bột màu nào nhưng bánh vân rất vàng. Sang đây, em nướng bánh bằng lò vi sóng và bánh em trắng phau. Nguyên nhân vì sao vậy chị? Do bột mì ở đây không có phẩm màu hay do em nướng bánh trong lò vi sóng? Cám ơn chị đã đọc tin. Chúc Chị một ngày vui.
Tháng Chín 22, 2016 vào 3:31 sáng #
Chị dùng 630 nhưng 550 cũng được. Bánh trắng là do cách em nướng (hình như em dùng lò vi sóng? nếu đúng thì không ổn nhé). Chị ở châu Âu hơn 7 năm rồi, làm đủ loại bánh mì thấy không vấn đề gì cả.
Tháng Chín 2, 2016 vào 1:56 chiều #
Trang ơi , chị có mua lộn 1 gói phụ gia bánh mì (lúc đầu là chị muốm mua men instant dry yeast nhìn sao lấy nhầm bread improver ) giờ về không biết làm sao với gói bread improver bây giờ , em có thể gợi ý cho chị nên làm bánh gì mà có sử dụng bread improver ko . Cảm ơn em
Tháng Mười Hai 31, 2016 vào 11:08 sáng #
Chào Quyên,
Bread improver dùng để làm cho các sợi gluten cứng cáp hơn, dẫn đến bánh mì sẽ được dai hơn và nở to hơn. Theo như mình biết thì cho vào chung với bột theo tỷ lệ 3% – 5% dựa trên số lượng bột và tuỳ theo chất lượng bột. Ví dụ, nếu Quyên dùng bột bánh mì thì chỉ cho vào 3% bread improver. Nhưng nếu dùng bột đa dụng thì sẽ cho vào 4% – 5%.
Tháng Tám 17, 2016 vào 7:56 chiều #
Cảm ơn Linh Trang, lần đầu tiên mình đọc ct bánh mì của bạn và là lần đầu mình làm bánh mì. Kết quả ngoài sức mong đợi của mình, vỏ bánh giòn còn ruột bánh thì mềm, dai mặc dù mình nướng lâu hơn của bạn gần 10′. cám ơn bạn nhiều nhiều.
Tháng Sáu 18, 2016 vào 10:27 chiều #
chị ơi e làm 2 lần bánh mì theo công thức này thì khi nướng cả hai lần vỏ banh cứng đơ chị ạ.e ko hieu vi sao
Tháng Sáu 21, 2016 vào 3:44 sáng #
Em xem lại khâu nướng bánh, ví dụ: nhiệt có đủ cao, trong lò có đủ độ ẩm, nướng có lâu quá không? Vỏ dày cứng thường là do nướng quá lâu ở nhiệt độ thấp hoặc không đủ ẩm.
Tháng Tư 5, 2016 vào 2:32 sáng #
Mình đã làm theo công thức của bạn, theo cách hướng dẫn thì mình có thay đổi chút xíu ở khâu tạo hình bánh, thay vì gấp bột như bạn chỉ thì mình cầm cục bột đập mạnh xuống bàn vài lần rồi dung cây can bột can mỏng rồi cuộn lại. Bánh làm ra vỏ mỏng, giòn, ruột xốp. Cám ơn bạn rất nhiều
Tháng Ba 15, 2016 vào 8:39 chiều #
minh hoi 1 chut, luc dang nuong banh o nhiet do 250 do mo lo ra xit nuoc len thanh lo , vay thi co the gay giat dien ko ban
Tháng Ba 16, 2016 vào 4:37 sáng #
Không bạn ah, mình cầm bình nước xịt vào thôi chứ không chạm lên gì cả mà. Nếu bạn vẫn chưa yên tâm thì có thể đi dép trong nhà chẳng hạn, và đeo găng tay khi xịt nước nhé.
Tháng Một 8, 2016 vào 8:21 chiều #
Chị ơi em vừa làm thử xong. Em nướng bằng khay đen kèm theo lò. Bánh nở k tốt lắm. Em nghĩ 1 phần là do nhiệt độ, nhưng phần khác là do khay nướng to và che hết diện tích lò, thành ra là hơi nước bên dưới không bốc lên nhiều được. Chị có gặp tình trạng như thế không chị? Có cách nào cải thiện không?
Tháng Mười Hai 18, 2015 vào 9:55 sáng #
Hôm nào Linh Trang làm thêm vi deo về bánh mỳ Việt Nam đi, mình đã thực hành làm bánh rất nhiều lần mà vẫn chưa làm ra đc bánh đúng với yêu cầu.Mình nghĩ là ở khâu nhồi bột mình nhồi mỗi lần khoảng 40p, có lần cả tiếng mà bột vẫn không đạt, ko thể kéo màng đc, và bánh sau ủ lần 2 đem đi nướng thì hầu như nở rất ít ở trong lò.Mình rất muốn xem vi deo của Trang để xem mình có làm sai bước nào không. Cảm ơn Trang.
Tháng Mười Một 11, 2015 vào 6:51 chiều #
Trang ơi sao cách làm trên blog của Trang là khi tạo hình dùng tay dàn bột mỏng ra, không được cán bột nhưng trong sách thì em lại bảo là cán bột. Chị làmtheo trong sách bánh khi ủ trước khi nướng và sau khi nướng không nở nhiều. Chị chia bột cân 50g mỗi bánh nhưng bầnh chỉ nở dài hơn nắm tay 1 chút thôi em và vỏ thì bị dẩy và cứng cứ như bánh mì khô vậy mặc dù ruột rất ngon. Em bắt bệnh giúp chị với.
À trong sách em viết ủ bột tới 2 lần vả 1 lần ủ sau khi tạo hình, còn trên blog thì em chỉ ủ 1 lần và 1 lần ủ sau khi tạo hình. Vậy khi làm các loại bánh mì chị nên theo trong sách hay trên blog hả em?
Bột sau khi tạo hình trong lúc chờ nướng mẻ sau thì chị để tủ lạnh bao lâu mới đem ra ủ cho bánh nở rồi nướng tiếp hả em?
Em vui lòng giải đáp sớm giúp chị nhé
Tháng Mười Một 12, 2015 vào 5:25 sáng #
Hai công thức bánh mì vỏ giòn trong sách và công thức này là 3 công thức hơi khác nhau ạ :) Công thức trong sách là công thức đã “tối ưu” nên chị làm theo sách chị nhé.
Vỏ dày và cứng có thể là do khô quá, em nghĩ là lần ủ thứ 2 hơi thiếu ẩm hoặc khi nướng thì trong lò hơi thiếu ẩm ạ. Một nguyên nhân nữa là nhiệt lò chưa đủ cao và nướng hơi lâu quá ạ.
Tháng Mười Một 4, 2015 vào 7:50 chiều #
Trang ơi cho mình hỏi ,lò nhà mình bt nhiệt độ có thể đạt đến mức 280 .Nhưng sau khi mình xịt nước ,cho khay nước sôi vào ,lò chỉ tụt xuống 220 ko thể đạt đến 250 .Mình đợi rất lâu mà cũng ko trở về 250 .mình cho đại bánh vào thì bánh ko thể nở đc .
còn một điều nữa sau khi ủ bột lần 2 bánh của mình nhìn nó chảy xệ ra ,ko được tròn trịa như của Trang ,và sau khi rạch nó cũng bị xẹp .
Mình có thay men instant bằng men tươi (14g)
Cuối cùng là cái bánh của mình ko nở tí nào ,ném chó chó chết lun
Trang có cách nào giúp mình điều trị lò ko?
Tháng Mười Một 5, 2015 vào 2:13 sáng #
Lò bị tụt nhiệt khi mở cửa lò là chuyện bình thường thôi, không sao đâu bạn. Nhiệt 220 độ C là nhiệt đủ để bánh nở rồi. Nếu bánh không nở và bị cứng thì cần xem lại từ khâu nhồi và ủ bột, không phải do nhiệt đâu. Nghe bạn tả thì mình đoán có thể là bột hơi nhão quá. Khi bạn ủ bột có nở không? Mặt bột có mịn không?
Tháng Mười 25, 2015 vào 4:09 sáng #
Mình muốn làm bánh mì vỏ giòn đặc ruột thơm bơ như trong sách của Trang nhưng mình ko tìm thấy ở blog. Vì trước khi làm mình muốn xem review của các bạn khác để rút kinh nghiệm.
Còn nữa, nếu mình làm theo công thức trong sách, nhưng ko nướng liền, như làm buổi tối để tủ lạnh và nướng vào ngày hôm sau vào buổi trưa. Vậy thì mình tạo hình và để tủ đông đúng ko bạn?
Tháng Mười 26, 2015 vào 10:41 sáng #
Hôm qua giờ mình thử 3 lần, 2 lần đầu với công thức có bơ, và mình chưa tìm đc lưỡi lam nên rạch bánh bị xẹp, bánh xấu.
Lần thứ 3 thử lại, mình đập 1 cái dao cạo râu của ox mình để lấy lưỡi dao ra (đập 1 nửa, để 1 nửa còn lại vẫn dính vào phần thân cao su, lúc mình cầm thì đỡ đứt tay hơn). Lần 3 mình bỏ bơ đi. Bánh ra lò ngon và giống bánh mì vn ghê.
Nhưng thấy bánh ko nở trong lò. Lúc đưa vô ntn là ra ntn :(
Nhờ bạn Trang bắt mạch giùm mình :)
Tháng Mười 27, 2015 vào 4:51 sáng #
Bạn có ảnh chụp bên ngoài và ruột bánh không? Nếu có thì bạn gửi cho mình xem với nhé, nhìn hình dễ nhận xét và đoán nguyên nhân (nếu có vấn đề) hơn bạn ah.
Tháng Mười 27, 2015 vào 4:21 sáng #
Đúng là bánh mì vỏ giòn đặc ruột thơm bơ chỉ có công thức trong sách bạn ah. Nếu bạn muốn tham khảo kinh nghiệm thì món bánh này khá giống với bánh mì VN ruột xốp, nhưng làm có dễ hơn một chút do không cần để ý đến khâu ruột xốp nhiều.
Về câu hỏi thứ 2 của bạn thì cách của bạn đúng rồi, nếu chưa dùng ngay thì nên tạo hình, trữ đông sau đó rã đông và để bánh nở trước khi nướng.
Tháng Mười 18, 2015 vào 6:45 sáng #
Trang ơi sao chị thấy công thức trên Savourdays banh mì vỏ giòn ruột xốp khác với công thức trong sách Nhật ký học làm bánh tập 2? Vậy chị nên theo công thức nào để làm hả em? Công thức trong sách phần Sponge chị có thể thay mật ong bằng đường được không em? Liều lương thay ra sao em chỉ giúp chị với nhé. Vì ở Việt Nam rất khó mua được mật ong thật, mua chỉ sợ nhầm mật ong giả thôi em à. Em có biết cách làm thịt nguội bằng ba rọi màu đỏ để kẹp vào bánh mì không và cả cách làm pate gan nữa, vui lòng hướng dẫn cách làm giúp chị được không em? Cảm ơn em trước nhiều nhiều
Tháng Mười 19, 2015 vào 4:38 sáng #
Chị dùng công thức trong sách nhé ạ. Phần mật ong có thể thay bằng đường theo tỉ lệ đường = 2/3 mật ong ạ. Thịt đỏ để kẹp bánh mì thì em chưa kịp viết công thức, chắc đợi trời lạnh hơn chút nữa, món bánh mì hấp dẫn hơn em sẽ làm một thể ạ :) À, pate gan thì đã có công thức tại blog, chị search chị nhé.
Tháng Mười 20, 2015 vào 10:25 chiều #
Cảm ơn Trang đã trả lời rất sớm giúp chị. Chị sẽ bắt tay vào làm thử bánh mì vào cuối tuần này và sẽ báo cáo kết quả với em ngay sau khi trải nghiệm.
Tháng Mười 21, 2015 vào 11:03 chiều #
Chúc chị thành công ạ :)
Tháng Chín 13, 2015 vào 9:12 sáng #
Minh vo tinh doc thay 1 bai viet duong nhu copy tu bai viet cua ban Linh Trang va ky ten giong nhu la male.Ban thu vao xem sao nhe.Minh rat ghet cai kieu “an cap” khong biet mac co nay nen copy link day:http://vinabanhmi.com/bi-quyet-lam-banh-mi-ngay-tai-nha-phan-3-nuong-banh/
Tháng Chín 14, 2015 vào 3:20 sáng #
Cảm ơn bạn nhiều nha, mình sẽ liên hệ với admin trang web để xử lí việc vi phạm bản quyền.
Tháng Chín 3, 2015 vào 10:22 sáng #
Cam on Trang rat nhieu ve cach chi dan tan tinh cua ban. Thich nhat doc trang cua ban vi tat ca cac thong tin deu rat chi tiet va day du logic, co cam giac Trang lam banh rat khoa hoc va hien dai. Quan trong la cac bai viet luon truyen cam hung, minh muon lam banh ngay sau khi doc :). Chuc Trang luon thanh cong voi dam me cua minh!
Tháng Tám 6, 2015 vào 3:43 chiều #
Chị ơi !
Nếu ủ lâu quá, sau khi rạch bánh sẽ xẹp và khi nướng sẽ không nở nữa? Hay là vẫn nở vậy chị ?
Bánh của em bị xẹp ít khi rạch, cho vào lò bánh hầu như không nở thêm và ra lò, mặt dưới thì mềm, còn mặt trên bánh thì cứng !
Giờ em làm sao chị ơi !!????
Tháng Sáu 22, 2015 vào 4:39 chiều #
Mình làm theo CT có giấm, nói chung đoạn đầu mình thấy bột rất ok, vì CT mình thấy hơi khô nên mình làm 120ml nước + 7gr dấm
bánh mình cho vào lò nướng (ko bật lò) ủ 1 tiếng (có kèm khay nước nóng, sau khi ủ nó nở to đùng, mặt bánh bị rỗ li ti và rất mỏng, mình ko dám rạch luôn vì chắc chắn rạch sẽ bị xẹp. Mình chưa gặp tình trạng thế bao giờ
Bắt bệnh giúp mình với :(