{Bánh trung thu} Cách nấu nước đường cho bánh nướng
-
- Nấu/Nướng
-
- Độ khó
- Công thức
Trước khi viết bài, mình muốn gửi lời cảm ơn các chị Khai Tâm, chị Kiwi, chị NguyệtVA Baking fun, Chị Phương (Fox Kitchen), Chị Hoàng Thụy (bếp Thienna), Chị Trần Việt Hà, Chị Ngọc Võ (Phan Vo’s Kitchen)… và rất nhiều chị em khác đã nhiệt tình chia sẻ công thức, kinh nghiệm, cũng như giải đáp các thắc mắc về bánh trung thu. Nhờ những chia sẻ của các chị mà những người đi sau như mình có nhiều tài liệu tham khảo và cũng rút ra được nhiều bài học để tránh thất bại khi làm :)
Tuy năm nay mình mới làm bánh trung thu lần đầu tiên, nhưng số lần thử nghiệm của mình thì cũng kha khá rồi, có lẽ đủ để kết luận rằng: “Làm bánh trung thu không khó!”, nhưng có nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu khác nhau, nên công thức thường khá dài. Công thức của mình có thể sẽ còn dài hơn các công thức bánh trung thu khác. Vì mình hi vọng cả những bạn chưa bao giờ làm bánh, khi đọc công thức tại Savoury Days, cũng có thể làm theo được dễ dàng. Nên mình sẽ cố gắng viết đầy đủ tất cả những gì mình biết, tập trung vào giải thích các kĩ thuật và cả các lưu ý để tránh sai sót mà mình tự rút ra từ kinh nghiệm bản thân và tài liệu mình đã đọc nữa. Nếu trong quá trình làm có vấn đề phát sinh, chúng mình sẽ cùng thảo luận tiếp, nhưng rất mong mọi người sẽ đọc bài thật kĩ trước khi đặt câu hỏi nhé.
——————–
PHẦN 1 – CHUẨN BỊ NƯỚC ĐƯỜNG CHO BÁNH NƯỚNG
Nước đường là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất trong phần vỏ bánh nướng, quyết định độ ngọt, độ mềm, màu sắc và thời gian bảo quản bánh. Nước đường thường được nấu từ rất sớm. Để qua một thời gian, nước ngấu trở nên sậm màu hơn, đặc sánh hơn, đậm đà hơn, sẽ giúp bánh mềm mại và có màu nâu vàng đẹp hơn.
Tuy có một vài ý kiến cho rằng nước đường cần được nấu trước từ vài tháng đến một năm. Nhưng nếu không có thời gian chuẩn bị trước, thì vẫn có thể dùng nước đường mới nấu sau 10 – 14 ngày được. Mình có biết khá nhiều chị em dùng nước đường mới nấu mà bánh hoàn toàn ổn. Bản thân mình cũng đã làm bánh với nước đường mới chỉ nấu trong 2 tuần, nhưng bánh vẫn rất mềm mại, màu lên cũng đẹp. Nên bạn nào vẫn chưa kịp nấu nước đường thì cứ yên tâm nhé, nấu từ bây giờ hoàn toàn kịp cho Trung thu năm nay :)
Nấu nước đường cũng không mất thời gian, nên có lẽ tự nấu được là tốt nhất. Mặc dù nước đường bán sẵn cũng có rất nhiều. Nhưng mình có tình cờ đọc được thắc mắc của một người bạn, rằng “không biết ngoài hàng người ta cho cái gì mà dùng nước đường mua sẵn thấy bánh mềm hơn hẳn”. Có thể chỉ là cảm giác, nhưng cũng có thể phỏng đoán “cho cái gì” là thật. “Cái gì” này cụ thể là gì và có tốt cho sức khỏe hay không thì không ai biết chắc, vì vậy nên mình nghĩ nếu có thể tự làm được, tự mình kiểm soát các nguyên liệu đầu vào, có lẽ vẫn là phương án yên tâm và an toàn hơn cả.
Nguyên liệu nấu nước đường chỉ gồm đường, nước và ít chanh hoặc dứa (thơm). Ngoài ra có thể cho thêm mạch nha và nước tro tàu. Sau khi nấu thử một số loại nước đường với các công thức khác nhau và nguyên liệu khác nhau, rồi dùng làm bánh thì mình rút ra được một số kinh nghiệm về sử dụng nguyên liệu là:
1. Đường: có thể dùng đường cát trắng, đường vàng hoặc đường nâu. Không nên dùng đường thốt nốt vì mùi đường có thể sẽ rất đậm đặc. Nếu không có nhiều thời gian thì dùng đường vàng hay đường nâu sẽ tốt hơn vì màu của nước đường sẽ đậm hơn, cho bánh màu nâu vàng đẹp hơn. Nên chọn mua loại đường tinh luyện, sạch, khi nấu sẽ hạn chế bọt và bụi bẩn, nước đường sẽ trong và đẹp hơn.
2. Chanh hoặc dứa (thơm): Nước từ chanh hoặc dứa (thơm) sẽ giúp khắc phục hiện tượng lại đường (đường không bị cô lại thành hạt li ti trong nước đường sau khi nấu xong). Ngoài ra, hai loại quả này cũng giúp nước đường có thêm mùi thơm the mát từ quả, nên bánh cũng có ít mùi thơm mát mát, rất dễ chịu. Chanh vàng hay xanh đều không làm cho nước đường bị đắng, nhưng dùng chanh vàng thì tốt hơn. Mình chưa thử dùng dứa (thơm) nhưng có đọc thấy một vài công thức dùng loại quả này và khen là nước đường thơm ngon nên mình ghi lại đây để bạn nào quan tâm thì thử nhé.
3. Mạch nha: mạch nha để cho vào nước đường là loại mạch nha trắng trong hoặc vàng nhạt, dạng lỏng hơi sánh, vị ngọt vừa, không phải mạch nha kẹo loại đặc dính màu vàng sậm (dùng loại sau có thể sẽ gây lại đường). Mạch nha giúp nước đường mềm và sánh hơn nhưng không bắt buộc phải có. Mình không dùng mạch nha do không mua được đúng loại.
4. Nước tro tàu (Lye water): Có hai loại nước tro tàu tự nhiên (làm từ tro nấu từ rơm) và nước tro tàu công nghiệp. Nước tro tàu tự nhiên thì không sao nhưng nước tro tàu công nghiệp nếu dùng lượng lớn sẽ rất có hại cho sức khỏe. Do vậy nên nếu trong nhà có trẻ nhỏ thì các bạn lưu ý để chai nước tro tàu xa tầm với của các bé nhé.
Nước tro tàu giúp làm mềm nước đường (từ đó giúp mềm bánh), và giúp bánh có màu nâu đẹp hơn. Tuy nhiên, vì đắn đo với tác hại của nước tro (ở bên này chỉ có nước tro công nghiệp, và chỉ có thể mua ở cửa hàng Trung Quốc) nên mình nấu thử nước đường có và không có nước tro rồi dùng làm bánh. Kết quả là bánh làm ra không khác nhau nhiều. Sau 1 ngày thì bánh không dùng nước tro vẫn xuống màu nâu đẹp và cũng rất mềm mại. Mình cũng có hỏi kinh nghiệm của một số chị bạn thì biết các chị cũng không dùng nước tro khi làm bánh. Nên nếu bạn nào không yên tâm thì có thể bỏ hẳn nước tro mà không ngại việc bánh sẽ cứng hơn hay kém đẹp hơn nhé.
Trên đây là các lưu ý chung, giờ là công thức và các bước cụ thể để nấu nước đường nha
Nguyên liệu
- 1kg đường (trắng, vàng hoặc nâu, xem ghi chú (1) ở trên) (mình dùng 1/2 đường trắng + 1/2 đường nâu đen)
- 600ml nước
- 1 quả chanh vàng nặng khoảng 60 – 70 g
- 30ml mạch nha (không bắt buộc)
- 5ml (1tsp) nước tro tàu + 20ml nước (không bắt buộc)
(*) Ghi chú: Một công thức này nấu được khoảng 1,1 – 1,2kg nước đường. Trung bình mỗi công thức vỏ bánh của mình sử dụng 150 gram nước đường và nhào được khoảng 450 gram vỏ bánh. Thông thường, vỏ bánh trung thu sẽ bằng khoảng 1/3 trọng lượng bánh (vỏ = 1/2 nhân là khá mỏng, nếu bạn thích ăn nhiều vỏ thì có thể tăng vỏ giảm nhân). Từ tỉ lệ này, các bạn có thể tự tính lượng bánh trung thu làm được tùy theo loại khuôn bạn sử dụng.
Ví dụ: nếu bạn dùng khuôn để làm bánh cỡ 75 gram thì vỏ bánh sẽ nặng: 75/3 =25 gram (nhân 50gram). Như vậy, một công thức vỏ bánh với 150 gram nước đường sẽ làm được khoảng: 450/25 = 18 cái bánh => 1kg nước đường làm được: 18 x (1000/150) = 120 cái bánh cỡ 75gram.
Cách làm
1. Chanh rửa sạch, vắt lấy nước, bỏ hạt (để nước không bị đắng), giữ lại vỏ.
2. Đun sôi nước. Cho đường vào nồi. Đổ nước sôi, quấy đều cho đường tan bớt.
* Nếu có nồi hay chảo dạng đáy cong thì dùng loại nồi này đun nước đường sẽ tốt hơn vì nước đường tỏa đều hơn.
Đổ nước sôi vào nồi đựng đường
Quấy cho đường tan bớt
3. Bắc nồi lên bếp. Đun đến khi nước sôi thì hạ lửa đủ để nước sôi lăn tăn, hớt sạch bọt.
Nước sôi sẽ có khá nhiều bọt, nên dùng thìa nhẹ nhàng hớt bớt
4. Cho nước cốt chanh và vỏ chanh vào nồi. Đun lửa nhỏ trong khoảng 50 – 65 phút (tùy độ to nhỏ của bếp).
Cho nước cốt chanh
Cho vỏ chanh (nên úp phần múi chanh xuống dưới, để mặt vỏ quay lên trên – ngược với trong hình)
* Trong toàn bộ quá trình đun, tính từ khi bắc nồi lên bếp, không quấy đảo nước đường, để tránh bị lại đường. Khi cho nước chanh vào cũng không cần quấy vì nồi nước đang sôi nên nước chanh sẽ tự hòa tan.
* Nếu dùng mạch nha và nước tro tàu có thể cho các thứ này vào sau khoảng 30 – 40 phút tính từ thời điểm cho chanh (khoảng 10 – 15 phút trước khi tắt bếp). Nước tro tàu cần được hòa loãng trong nước trước khi cho vào nồi.
* Trong quá trình nấu, có thể dùng khăn sạch và ướt lau các hạt đường bám trên thành nồi. Lưu ý lau khéo, tránh để các hạt đường này rơi trở lại nồi (hoặc có thể bỏ qua không lau)
* Nếu nồi nước có nhiều bọt, có thể dùng thìa sạch nhẹ nhàng hớt các bọt này
5. Điều quan trọng nhất của nước đường có lẽ là nấu làm sao cho vừa đủ. Nước đường quá loãng sẽ làm cho bột nhão, bánh khi nướng dễ bị chảy xệ, cũng không để được lâu. Nước đường quá đặc dễ làm cho bột khô bở, bánh dễ bị nứt hoặc cứng.
Tùy theo độ nóng của bếp mà thời gian nấu nước đường có thể thay đổi khác nhau. Sau khoảng 40 – 45 phút từ thời điểm nước sôi, các bạn có thể bắt đầu kiểm tra xem nước đường đã đạt chưa bằng các cách sau đây:
Cách 1: Múc một ít nước đường. Dùng một chiếc đĩa đế phẳng. Đặt thìa gần sát mặt đĩa để một vài giọt nước đường nhỏ xuống đĩa. Nếu đường lập tức lan rộng ra là nước đường chưa đủ, nếu nước đường cô đặc lại và cứng là đã nấu quá nhiều. Nước đường đạt là khi giọt đường hơi lan ra một chút trong khoảng 1, 2 giây đầu tiên, nhưng vẫn giữ dạng tròn.
Cách 2: Chuẩn bị một bát nước, nhỏ vài giọt nước đường vào bát nước. Nếu nước đường lập tức tan ra và hòa vào trong nước là chưa đạt. Nếu nước đường gom lại đóng thành viên tròn là đã nấu quá nhiều. Nước đường đạt sẽ rơi xuống và lan ra dưới đáy bát thành quầng hình tròn.
Cách 3: Trước khi nấu nước thì cân trọng lượng của nồi. Sau khi nấu xong thì cân cả nồi nước đường rồi trừ đi trọng lượng nồi. Nếu từ 1kg đường và 600ml nước ban đầu nấu ra được khoảng 1,2kg nước đường là đạt.
Nếu nước đường chưa đạt, còn loãng thì cần nấu tiếp. Nếu nước đường quá đặc (có thể do bếp lửa to, nước bốc hơi nhanh) thì cho thêm nước vào nồi rồi nấu đến khi đạt.
Thử nước đường theo cách (1) và (2)
6. Khi nước đường đã đạt thì bắc ra khỏi bếp. Vớt bỏ chanh, để gần nguội. Chuẩn bị lọ sạch để đựng nước đường (nên luộc lọ qua nước sôi rồi để khô để tiệt trùng). Dùng thìa hoặc muôi lớn múc đường từ nồi cho vào lọ. Không nên đổ vì các hạt đường bám ở thành nồi sẽ trôi theo nước và gây ra hiện tượng lại đường.
Để nước đường nguội hẳn mới đóng nắp lọ. Sau khoảng 7 – 10 ngày có thể dùng được. Để càng lâu nước đường càng ngấu, bánh sẽ càng ngon hơn.
Trung thu năm 2015 mình đã quay video cách nấu nước đường trong bài viết này. Ngoài video, trong bài viết cũng có thêm một số giải đáp thắc mắc về nước đường nữa, các bạn có thể xem thêm nha.
Trong hình dưới là hai lọ nước đường mình nấu từ đường trắng (lọ bên trái) và 1/2 đường trắng + 1/2 đường nâu đen (lọ bên phải). Dùng cả hai lọ làm bánh đều ổn (nước đường mới nấu khoảng 2 tuần), nhưng lọ màu nâu cho bánh có vẻ vàng nâu hơn một chút.
Tuy nhìn trong hình màu rất sậm nhưng thực ra thì màu nước đường trong lọ bên phải cũng chỉ sậm hơn màu hổ phách một chút thôi :)
(*) Một số thất bại thường gặp & Cách khắc phục:
– Nếu nước đường bị cô đặc cứng lại khi sau khi nguội: Đây là hiện tượng nước đường bị nấu quá nhiều. Các bạn có thể ngâm lọ vào nước ấm cho đường lỏng ra, sau đó hòa thêm ít nước nóng rồi cho vào nồi nấu lại cho đường loãng hơn.
– Nếu trong lọ có một vài tinh thể đường dạng hạt li ti: có thể cho nước đường vào nồi, thêm chút nước và chút nước cốt chanh, nấu lại.
– Nếu sau một thời gian, xuất hiện một lớp hạt đường màu trắng ở đáy lọ: đây là hiện tượng bị lại đường. Một số ý kiến cho rằng không dùng được nước đường này nữa. Nhưng mình nghĩ vẫn có thể khắc phục bằng cách ngâm lọ vào nước nóng cho đường tan bớt rồi cho vào nấu lại, thêm ít nước và nước cốt chanh. Mình chưa gặp hiện tượng lại đường bao giờ nhưng nếu bạn nào mắc phải và có thử khắc phục thì nhớ phản hồi kết quả nha.
————————————————————————————
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ TRUNG THU
A. Kiến thức chung
- Tổng hợp cách làm bánh nướng, bánh dẻo trung thu
- Giải đáp các vấn đề/ thất bại thường gặp khi làm bánh nướng trung thu
- Cách chữa vỏ bánh nướng bị mềm nhão, ướt, tách nhân hay khô cứng
- Cách làm trứng muối
- Cách xử lí trứng muối để làm nhân bánh
- Cách chọn khuôn bánh trung thu
- Cách làm rượu Mai Quế Lộ
- Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
B. Cách làm bánh nướng trung thu
- Cách nấu nước đường bánh nướng trung thu
- Cách làm bánh nướng trung thu (trộn bột, bọc nhân, đóng bánh và nướng)
- Cách làm nhân đậu xanh – trà xanh – lá dứa
- Cách làm nhân thập cẩm – sữa dừa
- Cách làm nhân sen nhuyễn
- Bánh trà xanh nhân đậu đỏ
- Bánh hoa cúc vàng (vị nghệ tây, chanh vàng, chanh leo)
- Bánh nướng hoa hồng đỏ (màu đỏ củ dền, nhân café, chocolate, rum nho)
- Giải đáp các vấn đề/ thất bại thường gặp khi làm bánh nướng trung thu
- Cách chữa vỏ bánh nướng bị mềm nhão, ướt, tách nhân hay khô cứng
C. Cách làm bánh dẻo trung thu
221 phản hồi tới {Bánh trung thu} Cách nấu nước đường cho bánh nướng
Trả lời Click vào đây để hủy.
Danh mục món mặn
Danh mục bánh ngọt
Công thức hàng tháng
Phản hồi gần đây
- Hương Nguyên trong Cách làm Papparoti/ Mexican Buns/ Coffee Buns/ Rotiboy
- Linh Chi trong Cách làm nhà bánh gừng (công thức mới kèm video)
- Hương trong [VIDEO] Cách làm lạc tẩm mắm đường tỏi ớt
- Phương trong Bánh mì Việt Nam vỏ giòn ruột xốp – P2: Công thức chi tiết
- Tạ Hà trong Cách làm MỨT DỪA VIÊN
- Lê Vy trong Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên
- Thanh trong Cách làm BÁNH PHOMAI SOCOLA NƯỚNG MỀM (Chocolate half-baked cheesecake)
- SD_Admin_2 trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Hạnh Phạm trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Như trong Cách làm TRÀ SỮA CAKE CREAM
- Quyên Trần trong [VIDEO] Cách làm bánh bò thốt nốt rễ tre (mới)
- Mai trong Sườn nướng BBQ
- Thuỵ Di trong Bánh cuộn Chiffon – vị Chocolate
- Phuong trong BÁNH PHO-MAI NHẬT BẢN “NÚNG NÍNH” (JCC) [Kỷ niệm 10 năm thành lập SD]
- An Hua trong Bánh bông lan bơ chanh khuôn Bundt
- Hương trong Bánh Katka phô-mai chocolate (Cream cheese pound cake)
- Hương trong Panettonne muộn & danh hiệu “chiếc bánh mì của năm”
- Như trong Summer Pudding Mousse Cake cho mùa hè mát rượi
- Châu trong [VIDEO] Cheesy Dinner Rolls – Bánh mì pho-mai chảy (không cần nhồi)
- Phương Anh trong [VIDEO] Cách làm SU KEM VỎ XÙ vị Yến mạch Hạnh Nhân & Kem trà Earl grey
- Quyên Trần trong Bánh mì bí đỏ cuộn quế (dùng nồi chiên không dầu)
- Liên trong CÁCH LÀM BÁNH MÌ BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU – KHÔNG CẦN NHỒI BỘT
- Quyên Trần trong Cách làm CHÈ BƯỞI
- Mai Thanh Quý trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Linh Trang trong Tổng hợp các nguyên nhân làm bánh ga-tô lõm mặt, đáy, thắt eo và cách khắc phục
- Linh Trang trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
- Linh Trang trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- Nam trong Cách làm bánh bông lan cơ bản “bất bại” (No-fail sponge cake)
- trang pham trong [VIDEO] Bánh mì sữa bắp “mềm như bông, nhẹ như mây”
Tháng Bảy 30, 2014 vào 4:52 chiều #
Cảm ơn chị rất nhiều!!! Mong ngóng bài viết tiếp theo của chị về cách làm bánh trung thu.
Tháng Bảy 30, 2014 vào 11:55 sáng #
Cảm ơn công thức của bạn, nhưng mình thắc mắc là nếu mình muốn giảm độ ngọt thì liệu mình có thể nấu 1kg đường với 1l nước và nấu tới khi còn 1.5kg thì có ổn không? Và sau 2 tuần vẫn có thể dùng làm bánh pk?
Mong bạn tư vấn giúp! Cảm ơn bạn!
Tháng Bảy 30, 2014 vào 11:34 sáng #
Rất cám ơn bạn vì công thức rất
cụ thể và tỉ mỉ.
Tớ muốn follow blog của bạn nhưng
tớ ko biết cách. Giúp t với nhé, vui
lòng liên hệ với tớ qua email:
trangia.8087@gmail.com
Tháng Bảy 30, 2014 vào 10:08 sáng #
Trước khi đọc bài này, chị phải cảm ơn em trước và chị rất rất ngưỡng mộ em.
Tháng Bảy 30, 2014 vào 7:06 sáng #
Chị ơi nếu cho dứa thì có cần xay ra lấy nước không ạ? Hay chỉ cần cho miếng dứa vào thôi ạ. Và với ct chị đưa ra thì cho bao nhiêu dứa là được ạ?
Tháng Bảy 30, 2014 vào 1:26 sáng #
Cám ơn chị viết bài này nhé… Tỉ mỉ nên dù làm lần đầu nhưng rất ổn. Ah em góp thêm ý này cho ai chỉ dùng đường trắng nhé. Nếu chỉ dùng đường trắng màu sẽ rất nhạt, nên có thể đun 1 phần nhỏ đường với nước riêng cho đến màu cánh gián (nấu giống như cách nấu nước đường bánh) rồi cho phần đường + nước công thức chính vào nấu chung ra màu rất đẹp. Mọi người góp ý cho em với nhé :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 11:34 chiều #
Chị Trang ơi cho em hỏi 1 tí , em nấu nước đường chỉ có đường cát trắng, nước và chanh. Nhung ma lúc nấu e quên k làm theo cách của chi, e nấu 600ml nước sôi rồi mới bỏ đường vào, vậy thì có ảnh hưởng gì ko chị :D, với lại trong khi nấu e thấy nước đường chỉ có màu trắng, em sợ lúc làm bánh ko có được màu đẹp.C tl giúp e nhe.
Tháng Bảy 30, 2014 vào 2:27 sáng #
Không sao đâu em ah. Đợi một vài tuần cho nước đường ngấm hơn rồi dùng làm bánh nhé :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 11:24 chiều #
Trang ơi lúc mình cho baking soda hòa nước vào nồi sau khi sôi khoảng 45 phút thì sôi lên rất rất nhiều bọt, mình phải cho lửa bé lại ngay mới ko bị trào ra, hiện tượng đó bình thường phải ko? Anyways thành quả của mình rất ok, màu rất đẹp và quan trọng hơn là nấu vừa đủ :) (theo hướng dẫn cách kiểm tra của Trang)
Tháng Bảy 30, 2014 vào 2:28 sáng #
Đúng rồi, đó là hiện tượng bình thường bạn ah. Thật ra mình cũng chưa dùng baking soda, chỉ đọc tài liệu thấy có một vài ct dùng thay cho nước tro tàu thôi. Lúc đó mình cũng không nghĩ đến hiện tượng trào, giờ bạn nói mới để ý. Có lẽ mình sẽ bỏ phần baking soda ra ngoài để các bạn mới làm không bị lúng túng. Baking soda thay vì cho vào nuwocs đường thì có thể cho vào vỏ bánh nữa. Nhưng nước đường của bạn thì vẫn dùng được bình thường, không vấn đề gì đâu nha :)
Tháng Bảy 30, 2014 vào 11:31 chiều #
Vậy nếu nước đường của mình đã có baking soda rồi thì vỏ bánh của mình có cần cho baking soda nữa ko?
Tháng Bảy 29, 2014 vào 10:35 chiều #
Minh nau nuoc duong xai ko het de danh nà, sau xai Duoc ko ban?nuoc duong nay khac voi nuoc duong lam banh deo ko ban ? Cam on ban ve bai viet
Tháng Bảy 30, 2014 vào 2:32 sáng #
Được chứ bạn, nước đường có thể để vài năm mà. Nước đường bánh dẻo sẽ khác, không dùng công thức này bạn ah.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 9:32 chiều #
SOS CHỊ ơiiiiiiiiiiiiii
Tình hình là em đã nấu 3kg đường để làm nước đường rồi nhưng mà thấy công thức chị viết hôm nay em ham hố mua thêm những 4kg đường để nấu. Các lần trước em nấu đều ok, lần này ko biết có phải vì cho vỏ chanh (có lẫn thịt sau khi vắt xong) mà sau khi thêm nước tro tàu vào lúc cuối thì hỗn hợp nước đường của em bị một lớp lợn cợn, em vớt ra thấy những hạt mềm mềm, lấy thìa nghiền thì nát, sờ mềm mềm. Lẽ nào là nước tro tàu có KOH tác dụng với acid trong nước chanh còn ở lớp thịt tạo ra sản phẩm đó? Mà cái lớp đó nó nổi lẫn với lớp bọt. Làm sao bây giờ chị iu? Em vớt bỏ hết lớp bọt đó rồi nhưng không nước đường này còn sử dụng được không chị? Em buồn quá huhu T.T
Tháng Bảy 29, 2014 vào 11:02 chiều #
Theo mình nghĩ chắc là không sao đâu :3
Tháng Bảy 31, 2014 vào 12:28 sáng #
Cảm ơn bạn nhé ^^
Tháng Bảy 30, 2014 vào 2:35 sáng #
Chắc là thịt từ vỏ chanh thôi em ah, không vấn đề gì đâu :) Bỏ hết nó đi là dùng được bình thường ấy mà.
Tháng Bảy 31, 2014 vào 12:29 sáng #
Dạ em cảm ơn chị, không hiểu sao lúc nào đọc công thức của chị em cũng có cảm giác tin tưởng tuyệt đối hết ạ :”>
Tháng Bảy 29, 2014 vào 5:45 chiều #
Chị ơi, cho e hỏi chút ạ, e thay chanh vàng bằng chanh xanh. Sau khi nấu nước đường (có cả vỏ chanh) thì e thấy nước có vị hơi chát chát. Cái này có ảnh hưởng đến chất lượng bánh ko ạ? :-s E cảm ơn ạ :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:31 chiều #
Nó là vị chát hay là vị the của vỏ chanh em nhỉ? Nước của chị thì không vấn đề gì. Nhưng nếu chỉ có ít thôi thì chị nghĩ sẽ không sao đâu, vì còn vị đường át lại, và khi em làm bánh thì có cả vị của nhân bánh nữa :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 8:25 chiều #
Dạ vâng, cũng chỉ bị ít thôi ạ (vì bố e thử cũng ko nhận ra :D). E cảm ơn chị ;))
Tháng Bảy 29, 2014 vào 4:13 chiều #
Cho mình thắc mắc tí. Vì lần đầu làm bánh trung thu nên không dám làm nhiều nên mình muốn biết với lượng nước đường thành phẩm như trên thì dùng cho bao nhiêu chiếc bánh để biết mà còn lượng sức nữa. Hi hi. Hoặc nước đường này còn sử dụng cho công thức nấu nướng nào nữa không Trang ơi.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:32 chiều #
Mình mới bổ sung ở dưới phần nguyên liệu đó bạn, bạn xem nhé :) Nước đường này có thể dùng để làm bánh chả hoặc thay cho golden syrup trong một vài món bánh khác nữa.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 1:55 chiều #
Với 1 công thức nước đường ở trên thì mình làm được bao nhiêu cái bánh nướng và bánh dẻo?chị chưa làm bao giờ nên muốn biết để ước lượng,vì nước đường phải nấu trước mà
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:37 chiều #
Em mới bổ sung cách tính lượng bánh ở dưới phần Nguyên liệu trong công thức rồi đấy ạ :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 1:54 chiều #
may quá năm nay mình có duđịnh làm, có bài của bạn Trang là yên tâm nhất, chụt chụt
Tháng Bảy 29, 2014 vào 1:42 chiều #
Cảm ơn chị Trang rất nhiều. Chắc chắn chuỗi bài viết này sẽ rất hữu ích cho những người lần đầu làm bánh trung thu như em. Chúc chị sức khỏe và thành công trong mọi việc.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:37 chiều #
Cảm ơn em :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 11:00 sáng #
Chị Trang cho em hỏi tý ạ: e nấu nước đường rồi, e cũng căn thời gian và lấy bát nước để thử như chị nói. E thử đến lần thứ 3 thì thấy nước đường không tan ra trong nước, cũng chưa đọng thành hạt ở đáy bát thì e tắt bếp, nhưng để nguội thì đặc quá chị à. E đã cho thêm 200ml nước nóng vào nấu sôi lên, giờ để nguội thấy nước đường cũng sánh rồi nhưng e có cảm giác hơi loãng 1 tý chị ạ, giờ e có nên nấu lại lần nữa cho nó đặc hơn tý nữa ko chị? e sợ nấu đi nấu lại nhiều lần nó hỏng mất ạ
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:48 chiều #
Nước đường bánh nướng không đặc lắm đâu em, và càng để lâu nó cũng sẽ đặc hơn, nên em cứ căn và thử như các cách ở trên, đặc biệt là cân lượng nước xem đã ổn chưa. Đừng nấu đi nấu lại nhiều quá, chị nghĩ cũng ảnh hưởng đến chất lượng của nước đường đấy.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 10:10 sáng #
Trang ơi, nước đường sau khi nấu có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh không? Nhà mình nhiều kiến, lại ẩm, mình sợ để ở ngoài sẽ dễ hư nước đường. Cảm ơn Trang nhe!
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:49 chiều #
Vụ này mình cũng không rõ bạn ah, theo mình biết thì nước đường không cần phải để tủ lạnh. Nhưng để mình hỏi thử các chị bạn mình hay để nước đường từ năm này qua năm khác xem các chị bảo quản bằng cách nào nhé.
Tháng Bảy 30, 2014 vào 10:13 sáng #
Chào bạn. Mình nấu nước đường được mấy tháng rồi, nhà mình cũng nhiều kiến. Cách làm của mình là: lấy dây chun buộc vòng quanh miệng chai. Chai đựng nước đường thì nhớ vặn chặt lại nhé. Thế là kiến k vào (mình đọc mẹo này ở đâu đó). Nếu k được thì ngâm chai trong tô nước kiến nó k bơi qua được
Tháng Bảy 29, 2014 vào 9:36 sáng #
hiii, Tks Trang nhiều, dù năm nay đã làm đến hơn 100 cái bánh TT rùi, nhưng vẫn mún học hỏi thêm kinh nghiệm, vì cũng còn nhìu thiếu xót, Mong đợi thêm các bài của Trang. :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:50 chiều #
Ui, làm đến cả trăm cái thì mình phải học hỏi bạn ấy chứ ;) Trăm hay không bằng tay quen mà, hi vọng sẽ được bạn chia sẻ thêm về cách làm bánh trung thu nha :)
Tháng Bảy 30, 2014 vào 4:10 chiều #
K đâu Trang ơi,năm nay mới tập tành , cũng tìm SD nhưng k có, thế rồi tìm gg thôi, mỗi lần làm 1 khác, hii, Trang nhanh viết bài sên nhân đậu xanh và các các trường hợp hư nhân nhé, đợi bài Trang.
::) :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 9:33 sáng #
chị Trang ơi chị dùng đường nâu mà chưa nấu lê, chỉ hòa vs nước nó đã có màu nâu sậm thế kia ah?
em nấu dùng đg nâu chỉ vàng hơn chứ k có màu nâu đậm đc như chị
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:51 chiều #
Uh, loại đường của chị màu nó đậm lắm, em dùng đường nâu vàng chị nghĩ cũng đã cho màu đẹp hơn khi dùng đường trắng rồi, không sao đâu :)
Tháng Bảy 29, 2014 vào 8:46 sáng #
Cảm ơn chị Trang rất nhiều ạ!
Em mới tập làm những món bánh do chị hướng dẫn như là doughnut, cupcake, cookies hay flan. Thật sự các bài viết trên SD của chị tuyệt vời lắm lắm ạ. Vừa cẩn thận chi tiết, lại vừa đơn giản dễ thực hiện theo. Trung thu này em quyết định sẽ làm bánh cho gia đình, vừa an toàn lại vừa vui nữa!
Tháng Bảy 29, 2014 vào 5:55 sáng #
cảm on c vì bài viết tỉ mỉ.tối nay dl ve e se nấu nước đường
Tháng Bảy 29, 2014 vào 1:57 sáng #
Chị ơi em đọc bao nhiêu ct đều thấy ghi là nước tro tàu phải đc hòa loãng trc khi cho vào nước đường nhưng hôm nọ em láu táu thế nào lại quên mất, cho thẳng vào mà ko pha với 20ml nước. Như vậy ko biết có dùng đc nước đường này ko chị nhỉ? Chứ mà phải bỏ đi thì em thấy tiếc quá :( Không biết chị nào có kinh nghiệm về cái này ko ạ?
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:54 chiều #
Nếu em cho vào lúc nồi đang sôi thì chị nghĩ chắc không sao đâu, nước sôi sẽ giúp hòa tan nước tro. Nhưng lần sau nhớ pha loãng nước tro trước nhé, nó sẽ giúp nước tro hòa đều hơn trong nước.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 12:29 sáng #
Mình cũng mới nấu nước đường xong. Đầu tiên mình đọc được là nấu đến khi con 1,4kg là được nhưng mình nấu vẫn bị lại đường sau đó mình cho thêm dứa vào và nấu đến khi còn 1,2kg thì giờ đã không bị lại đường nữa rồi
Tháng Bảy 29, 2014 vào 12:03 sáng #
Chị ơi! E ko mua đc chanh vàng thì thay bằng chanh vỏ xanh có làm thay đổi chất lượng đường ko chị?
Tháng Bảy 29, 2014 vào 2:03 sáng #
Bạn đọc kĩ lại bài đi, ” Chanh hoặc dứa (thơm): Nước từ chanh hoặc dứa (thơm) sẽ giúp khắc phục hiện tượng lại đường (đường không bị cô lại thành hạt li ti trong nước đường sau khi nấu xong). Ngoài ra, hai loại quả này cũng giúp nước đường có thêm mùi thơm the mát từ quả, nên bánh cũng có ít mùi thơm mát mát, rất dễ chịu. Chanh vàng hay xanh đều không làm cho nước đường bị đắng, nhưng dùng chanh vàng thì tốt hơn. Mình chưa thử dùng dứa (thơm) nhưng có đọc thấy một vài công thức dùng loại quả này và khen là nước đường thơm ngon nên mình ghi lại đây để bạn nào quan tâm thì thử nhé.”
Tháng Tám 1, 2014 vào 8:46 sáng #
Thanks bạn. Sorry vì mình đã hấp tấp bỏ qua đoạn trên :(
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:59 chiều #
Mình đã nấu được khoảng 5 tháng và cũng phát hiện ra có vài tinh thể đường dưới đáy lọ. Nếu khi làm bánh mình dùng k hết chỗ đường đã nấu thì việc lại đường đó có cần xử lý như Trang viết k nhỉ? Thanks vì bài viết này được trông chờ rất nhiều
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:56 chiều #
Có bạn ơi, đường kết tinh ở đáy lọ là 1 phần của nước đường mà, nên xử lí lại rồi mới dùng nhé.
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:55 chiều #
Ngày nào e cũng vào xem blog có gì mới ko, may quá chị đã hướng dẫn nấu nước đường rồi. Nhưng chị ơi chị có thể hướng dẫn chọn khuôn và các dụng cụ cần thiết trước ko, bây giờ các cửa hàng bắt đầu nhập hàng trung thu về nhiều rồi, phải sắm ngay mới có hàng đẹp rẻ chị ơi, để càng lâu thì e càng ít sự lựa chọn. E đang ngắm mấy bộ khuôn lò xo đẹp quá mà ko biết có nên dùng loại này ko, chị ạ.
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:56 chiều #
ừa để mai chị viết luôn nhé :)
Tháng Bảy 31, 2014 vào 12:04 sáng #
Hihi e đợi ạ, e cảm ơn chị :x
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:30 chiều #
Em huong dan that can ke. That tuyet voi. Chi se co gang lam theo tung buoc mot. Nam ngoai chi lam banh ky lam. Mau khong vang dam ma nhat that nhat, y nhu mau banh bong lan nuong thoi. A ma nam ngoai chi cung hoc tren mang nhung khong phai cua Savoury days ne.
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:26 chiều #
Chào Trang, truớc khi đọc ct của em chị cũng đã đọc&làm theo ct của HBHn Baking fun…Nhưng phai nói là cách hướng dẫn của e vô cùng kĩ càng, hình ảnh minh hoa chi tiết.Điều này luôn chỉ có ơ SD cho dù ct không mới , quan trọng hơn là e đã chỉ ra những lỗi or khó khăn hay gặp khi nấu nước đường. (Màu sắc, thời gian nâu, thành phẩm đặc hay loãng…cách khắc phuc.)
Bài viết này của em chắc chắn sẽ giúp ích cho nhiều ng học lam banh trung thu lần đầu như chị.
Cảm ơn Trang , chúc em mùa trung thu thật vui với những chiếc bánh thật ngon, đậm hương vị Hanoi &không quên chia sẻ với mọi người bí quyết nhé.
Thân mến!
Tháng Bảy 29, 2014 vào 6:57 chiều #
Em cảm ơn chị ạ, em cũng hi vọng các bài viết của em sẽ giúp cho các bạn làm bánh trung thu dễ dàng hơn, không gặp phải khó khăn như khi em tự mày mò làm thử ^^ Hi vọng sẽ nhận được nhiều phản hồi của mọi người về bánh ngon.
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:12 chiều #
Cảm ơn chị Trang rất nhiều. E chưa dám làm bánh trung thu bao giờ. Nhưng với công thức của chị e tự tin e sẽ thành công.
Tháng Bảy 28, 2014 vào 10:06 chiều #
Khi bị lại đường thì em hay cho thêm mạch nha, nước cốt chanh và một ít nước rồi đun lên. Em để từ năm ngoái đến năm nay vẫn lọ nước đường vẫn chưa có vấn đề gì :)
Tháng Tám 3, 2014 vào 12:00 chiều #
Bạn ơi, có thể cho m hỏi một chút là bạn thêm mạch nha, nc và chanh theo tỉ lệ thế nào đc ko? Lọ nc đg của m làm từ năm ngoái, đến giờ bị lại đg rồi b ạ :( Có ít hạt đg ở thành và đáy lọ í :(