Công thức sữa chua chuẩn vị, không nhớt

    • Độ khó

Mình tiếp tục với chủ đề sữa chua nhé! :). Trong bài viết này mình xin giới thiệu công thức sữa chua, sữa chua uống và sữa chua phô mai. Các bạn có thể xem tổng hợp về loạt bài “Cách làm sữa chua tại nhà” với các công thức sữa chua khác như sữa chua dẻo, sữa chua hoa quả hay sữa chua Hy Lạp và cách khắc phục các vấn đề thường gặp (sữa chua bị tách nước, không đông hay bị nhớt) tại đường dẫn sau

Xin lỗi các bạn vì đã để mọi người phải đợi bài viết về công thức sữa chua hơi lâu. Đáng lẽ ra mình định viết bài từ tuần trước. Nhưng vì phải chuẩn bị bài vở để đi công tác, và mình cũng muốn xác nhận lại một số thông tin để viết bài cho chính xác hơn. Nên hôm nay mới tiếp tục được.

Trước khi viết tiếp phần công thức, mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến bạn Quỳnh Anh (email: quynhanh146..@…), hiện đang phụ trách việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm sữa chua tại một nhà máy ở Việt Nam đã góp ý cũng như chia sẻ thêm một số kiến thức rất hữu ích trong việc làm sữa chua. Với những thông tin từ chuyên gia, hi vọng là chúng mình sẽ làm mẻ nào, chắc ăn mẻ đó, không còn lo nhớt, vữa, tách nước, không đông nữa :)

Còn một điều quan trọng mà mình muốn nhấn mạnh là: Tuy là món ăn đơn giản và dễ làm, nhưng chất lượng sữa chua tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như loại sữa sử dụng, loại men, chất lượng men, thao tác khi trộn men, nhiệt độ ủ… Bởi vậy nên không có công thức nào là “chuẩn” cho sữa chua. Và khi sữa chua có vấn đề, đoán nguyên nhân chính xác cũng khá khó. Cho nên cách tốt nhất để làm sữa chua thành công, theo mình nghĩ là nắm được các nguyên tắc cơ bản (mà mình liệt kê trong bài trước) và cố gắng tuân thủ nguyên tắc này một cách triệt để, có lẽ sẽ giảm thất bại được đến mức tối đa.

IMG_6716-1(resize)

——————-

CÔNG THỨC SỮA CHUA

Số lượng: 8 cốc nhỏ (dung tích 125 ml)

Nguyên liệu

  • 60 – 100 ml sữa chua (có hoặc không đường) làm men cái – để cho hết lạnh ở nhiệt độ phòng 
  • 840 ml sữa tươi không đường 
  • 160 ml sữa đặc có đường 

Mùi vị sữa chua như thế nào phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu, nên nguyên tắc chung vẫn là nguyên liệu càng ngon, càng tốt thì sữa chua thành phẩm sẽ càng ngon. Có một vài ghi chú về nguyên liệu mà mình tổng hợp lại được, mình ghi lại tại đây để các bạn tham khảo thêm khi chọn sữa nhé:

1. Sữa chua dùng để làm men cái: cần chọn loại tươi mới. Sữa chua cũ, gần hết hạn có thể sẽ có lượng vi khuẩn men ít, hoạt động yếu, làm cho sữa lên men chậm, sữa sẽ kém chua hoặc đông chậm hay không đông.

Nếu dùng sữa chua tự làm để làm men cái, nên dùng sữa mới được làm trong vòng 1 tuần.

Một số hướng dẫn của người Mỹ mà mình đã đọc có lưu ý là nếu chọn mua sữa chua tại siêu thị làm men cái, cần lưu ý trên nhãn sữa phải có ghi chú “live cultures” (tức là có chứa vi khuẩn lên men còn sống/ còn hoạt động). Ngoài ra, trong số các vi khuẩn men này, cần phải có hai loại là lactobacillus bulgaricus và streptococcus thermophilus thì mới dùng để lên men sữa chua được. Có lẽ các bạn ở US sẽ cần để ý điều này hơn. Còn như ở Bỉ thì sữa chua trong siêu thị hầu như không có ghi chú về mục này. Mình có thử 3 loại sữa chua khác nhau để làm men cái thì đều thấy ổn nên mình nghĩ các bạn có thể thoải mái lựa chọn loại mà các bạn thích.

2. Về tỉ lệ men: như trong bài trước mình có ghi chú là tỉ lệ men có thể dao động trong khoảng 3 – 10% (so với tổng lượng sữa). Sử dụng bao nhiêu men sẽ tùy thuộc ở việc bạn muốn sữa chua có độ mềm/ cứng như thế nào, và quan trọng hơn cả là tùy vào loại men, loại sữa mà bạn sử dụng. Thường thì sữa chua có nhiều men sẽ đông và chua nhanh hơn, nhưng cũng cứng và sữa chua thành phẩm dễ tách nước hơn.

Ở US và EU: các tài liệu mình đọc được đều nói rằng nên dùng tối đa 5%. Bản thân mình đã thử với 3% men thì thấy sữa chua khá ổn, mặc dù hơi mềm hơn so với sữa chua ở nhà một chút. Nên các bạn ở US và EU mình nghĩ có thể dùng lượng men bằng khoảng 5 – 7% so với lượng sữa.

Ở VN: theo tư vấn của bạn Quỳnh Anh thì với sữa chua công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, các bạn nên dùng lượng men bằng khoảng 7 – 10% so với tổng lượng sữa là ổn nhất.

3. Sữa chua làm men cái luôn phải được để hết lạnh (về nhiệt độ phòng) rồi mới dùng. Các lý do chính mình đã giải thích trong bài trước. Ngoài ra, còn một lí do quan trọng khác như bạn Quỳnh Anh giải thích, đó là nếu men còn lạnh, khi cho vào sữa (ấm) có thể sẽ gây “sốc” nhiệt cho vi khuẩn men trong sữa. Kết quả là men sẽ hoạt động kém, làm cho sữa không đông, bị nhớt, không chua…

4. Về loại sữa và tỉ lệ pha trộn sữa để làm sữa chua: Các bạn có thể chọn tùy thích theo khẩu vị. Nhưng sữa có lượng Protein càng cao thì sẽ cho sữa chua càng đặc và cũng sẽ hạn chế được hiện tượng nhớt. Vì lí do này mà thường mình dùng sữa tươi pha sữa đặc chứ không dùng sữa đặc pha nước. Và cũng vì lí do này mà mình nghĩ sữa tươi pha sữa đặc sẽ có độ đông tốt hơn là sữa tươi pha đường (vì có Protein cao hơn).
Tỉ lệ sữa đặc : sữa tươi có thể thay đổi tùy vào khẩu vị của bạn (thích ăn ít/ nhiều ngọt) nhé, với mình thì lượng sữa đặc bằng khoảng 1/5 – 1/4 lượng sữa tươi thì sữa chua thành phẩm có vị chua ngọt và đặc mịn rất vừa phải.

Ngoài sữa đặc và sữa tươi, các bạn có thể cho thêm một vài thìa sữa bột vào pha cùng để tăng lượng Protein trong sữa, giúp cho sữa chua đặc hơn và hạn chế nhớt.

Riêng về sữa chua phô mai hay sữa chua Đà Lạt với lớp váng trên mặt, theo mình tìm hiểu thì nếu dùng sữa tươi mới lấy từ trang trại, chưa qua xử lí trong nhà máy thì sữa chua thành phẩm sẽ có lớp váng này. Còn một cách khác là pha kem tươi (whipping cream) vào hỗn hợp sữa. Cách này mình có thử, nhưng lớp váng trên mặt đơn thuần là chất béo, khá cứng và bột, mình thấy không ngon lắm. Mặc dù vậy, sữa chua có thêm kem tươi có vị thơm khá đặc biệt, và mùi vị cũng ngậy béo, nếu bạn nào thích ăn đồ có nhiều bơ và creamy thì có thể thay một phần sữa tươi bằng kem tươi nhé. Mình thấy dùng khoảng 60 – 100ml kem tươi (thay cho lượng sữa tươi tương ứng trong công thức) là sữa chua vừa ngon và không bị quá ngấy.

IMG_6730-1

Cách làm (mình viết theo thứ tự các bước mình làm nhé)

1. Trước khoảng 1 – 2h: để sữa chua làm men cái ra ngoài cho hết lạnh

2. Khử trùng các nguyên liệu dùng làm sữa chua như: hũ đựng sữa, dụng cụ cân đo (thìa đong, cốc đong, nhiệt kế), muôi, thìa để múc, khuấy, âu đựng…

Mình thường đun nước sôi rồi cho các dụng cụ này vào “luộc” trong khoảng 30 giây rồi lấy ra, cho vào lò nướng (đã bật ở 100 độ C), để khoảng 2 – 3 phút cho khô ráo.

Nếu không có lò nướng, các bạn có thể để khô trong không khí hoặc dùng khăn sạch lau cho tất cả dụng cụ thật khô.

IMG_5560

3. Đong sữa tươi và sữa đặc, quấy đều rồi cho vào nồi. Đun đến khi sữa đạt khoảng 80 – 85 độ C (nếu dùng sữa thanh trùng thì có thể đun đến 90 – 95 độ C). Bắc nồi ra khỏi bếp, để sữa nguội về khoảng 40 – 43 độ C.

2014-05-301

2014-05-302

* Ghi chú:

– Trong quá trình đun nên quấy đều và liên tục, để tránh sữa bị “cháy”, lắng cặn dính ở đáy nồi do nhiệt độ quá cao.

– Nếu không có nhiệt kế, các bạn có thể tự áng chừng bằng cách như sau nhé: Đầu tiên bật lửa to, đến khi bắt đầu thấy hơi khói bốc lên từ nồi (sữa chưa sôi, lúc này nhiệt độ khoảng 60 – 70 độ C) thì hạ xuống lửa vừa và quấy liên tục. Đun ở lửa vừa trong khoảng 3 – 4 phút, đến khi sữa rất nóng (sờ vào phải rụt tay lại ngay) thì bắc ra, để nguội. Sữa ở 40 – 43 độ C thì chỉ hơi âm ấm một tẹo thôi, có lẽ là khá giống nước tắm cho em bé.

– Cách để nguội nhanh nhất là đổ sữa vào âu kim loại rồi ngâm trong nước đá lạnh. Quấy đều để sữa nguội đều, không bị lạnh bên ngoài (nơi tiếp xúc với thành âu và nước đá) và nóng bên trong.

4. Múc khoảng 2 – 3 thìa sữa cho vào bát đựng men (men đã hết lạnh hoàn toàn và lỏng mềm). Nhẹ nhàng quấy đều. Đổ phần sữa có men này vào âu đựng sữa, quấy đều cho men và sữa hòa quyện.

* Lưu ý: khi trộn men nên làm nhẹ nhàng, không quấy đảo mạnh tay sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của men. Sữa chua nếu đã hết lạnh và lỏng thì sẽ hòa vào hỗn hợp sữa rất dễ dàng. Thường thì mình không quấy mà dùng thìa to múc sữa từ dưới đáy âu rồi đổ nhẹ nhàng trở lại (thao tác khá giống với động tác fold bột trong làm bánh).

Có thể dùng rây lọc khi đổ hỗn hợp có sữa chua (men cái) vào âu sữa.

2014-05-303

5. Chia đều sữa vào các cốc đựng. Nếu có bọt trên miệng cốc, có thể dùng thìa sạch  để hớt hết bọt. Đậy nắp kín (mình không có nắp nên dùng nilon bọc thực phẩm và chun để đậy kín miệng cốc).

6. Ủ sữa chua: Men trong sữa chua hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 40 độ C (theo Quỳnh Anh thì nhiệt độ lí tưởng là 40 – 44 độ C). Nên nếu có thể duy trì được nhiệt độ này liên tục thì sữa sẽ đông khá nhanh.

Cần lưu ý, 40 độ C là nhiệt độ của sữa chứ không phải là nhiệt độ của môi trường bên ngoài (tức là, nhiệt độ bên ngoài có thể sẽ cần cao hơn một chút để làm sữa trong hũ đạt mức nhiệt phù hợp).

Mình ủ bằng lò nướng như thế này:

  • Bật lò ở 70 – 80 độ C trong khoảng 5 phút – để nhiệt trong lò nóng đến khoảng này.
  • Cho sữa vào. Tắt lò (hoặc có thể bật đèn trong lò).
  • Sau khoảng 1 – 1,5h, bật lò lên 50 – 60 độ C trong 2 – 3 phút (nếu bật đèn thì lò có thể nóng lâu hơn, sau khoảng 2 – 2,5h mới cần bật lại)
  • Sau khoảng 1 – 1,5h nữa, bật lò 50 – 60 độ C trong 1 – 2 phút.

Trong toàn bộ quá trình ủ không mở lò (vì sẽ làm nhiệt độ thay đổi đột ngột) và tránh làm cho hũ sữa bị lay động, di chuyển nhiều (sữa chua sẽ dễ bị vữa).

Với cách này, nhiệt độ trong lò (như mình đo được) luôn ở khoảng 55 – 60 độ C. Nhiệt độ sữa mà mình đo ở khoảng 40 – 45 độ C. Nếu làm công thức như trên thì sau khoảng 3 – 3,5h đã thấy sữa đông rồi, để sau khoảng 4 – 5h thì sữa chua như ý muốn.

Ngoài lò nướng, các bạn có thể ủ bằng các dụng cụ khác như:

  • Dùng nồi cơm điện/ thùng xốp/ lò vi sóng/ nồi áp suất hoặc nồi có nắp đậy kín: Xếp các hũ sữa vào dụng cụ ủ. Đổ nước nóng già (khoảng 75 – 80 độ C) ngập khoảng 2/3 cốc sữa. Tùy vào khả năng giữ ấm của dụng cụ mà sau khoảng 2 – 3h đồng hồ các bạn thay nước một lần để giữ nhiệt độ ấm trong dụng cụ ủ.
  • Nếu trời nắng nóng, có thể ủ sữa dưới nắng.

* Lưu ý:

– Không ủ sữa ở nhiệt độ quá cao (trên 54 độ C), sẽ làm men bị chết, sữa không chua và không đông được.

– Trong quá trình ủ, cố gắng tránh cho hũ sữa chua bị lay động mạnh, sẽ làm sữa chua dễ bị vữa (khi thay nước, nếu phải bỏ sữa chua ra ngoài thì làm nhẹ nhàng và nhanh tay nhé).

– Sữa có ít Protein + ủ ở nhiệt độ thấp + ủ lâu  sẽ làm cho sữa dễ bị loãng, nhớt và chua nhiều.

– Không nên dùng lò vi sóng để làm nóng sữa, hoặc để làm tăng nhiệt độ trong lò vì có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của men, làm chết men.

7. Khi sữa đã đông lại và đủ chua, bảo quản sữa trong tủ lạnh. Sữa chua có thể để trong tủ lạnh khoảng 2 – 3 tuần. Nếu dùng để làm men cái thì trong vòng 1 tuần.

* Nếu muốn làm sữa chua không đường, các bạn có thể bỏ phần sữa đặc, chỉ dùng sữa tươi, nhưng nên pha thêm sữa bột để tăng lượng Protein trong sữa, giúp cho sữa đặc hơn.

* Về cách làm sữa chua uống: cách đơn giản nhất là dùng sữa chua đặc (để bớt lạnh), pha thêm với sữa tươi không đường, quấy đều đến khi sữa chua loãng hơn và có thể uống được. Lượng sữa tươi có thể thay đổi, tùy theo việc bạn muốn sữa chua uống loãng đến mức nào. Nếu muốn có vị chua nhiều, có thể ủ sữa chua đặc trong thời gian dài để sữa có vị chua nhiều hơn, rồi pha làm sữa chua uống.

—————-

Hết phần 2, bài sau mình sẽ viết về các thất bại thường gặp với sữa chua, nguyên nhân và cách khắc phục (sữa chua bị nhớt, sữa chua tách nước đều có thể dùng được và ngon lành, không phải sữa chua bị hỏng nên đừng đổ đi nha).

Các bạn có thể xem thêm các bài viết trong cùng loạt bài với nhiều công thức sữa chua ngon tại: Tổng hợp về loạt bài “Cách làm sữa chua tại nhà: Các công thức và cách khắc phục các vấn đề thường gặp”