[VIDEO] Cách làm bánh mì dừa Hokkaido

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Chờ
    • 2 giờ
    • Khẩu phần
    • 5 bánh
    • Độ khó

Trời lạnh dần rồi, mấy hôm nay ngoài Hà Nội còn mưa nữa. Trời này thích nhất là được ở trong căn bếp với ánh đèn vàng rất ấm và hít hà mùi thơm của bánh mì đang chín. Làm bánh mì không khó. Nhưng chọn làm món bánh mì nào thì khó :D Bởi vì có quá nhiều công thức mà món nào cũng ngon. Những lúc không nghĩ ra nên làm món gì mình thường sẽ…. nhắm mắt lại và ngồi thật yên tĩnh, rồi để trái tim tự lên tiếng :D :D :D  hihi, kiểu như là ngồi yên lặng và cảm nhận xem giờ mình sẽ thích hương vị nào nhất ý ;) Và lần này thì vị dừa lên ngôi!!!

Nhân sữa dừa trong bánh mì lúc nào cũng ngon. Điển hình là món bánh mì dừa hot từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa hết hot (món này trong lớp học bánh mì ngọt mềm thấy mọi người hay khoe là đắt hàng lắm, chắc sau bánh mì hoa cúc thôi). Nhưng mà một ổ bánh mì dừa to bự thì hơi “cũ” rồi nên hôm nay mình đổi kiểu một chút, cho bánh thêm … hay hay hơn 1 tí :) Vỏ bánh là công thức bánh mì Hokkaido “trong truyền thuyết”, vị ngon đã được kiểm chứng từ nhiều năm nay nên không cần quảng cáo nữa :D Nhân dừa rất dễ làm, và nếu cả nhà thích có thể thêm nho khô (ngâm rượu Rum), hoặc chocolate bẻ miếng nhỏ, hoặc xíu bột quế cũng rất hợp nhé. Ngoài ra, nhân dừa này còn hợp với vỏ trà xanh (thêm bột trà xanh vào công thức) hoặc vỏ bánh lá dứa (thêm pandan paste/ paste lá dứa vào phần chất lỏng của bánh mì) nữa. 

CÁCH LÀM BÁNH MÌ DỪA HOKKAIDO 

Nguyên liệu (cho 5 cái bánh mì trọng lượng khoảng 100 gram)

A. Vỏ bánh mì sữa hokkaido

  • 270 gram bột làm bánh mì (bột mì số 13 – bread flour)
  • 30 gram bột làm bánh ngọt (bột mì số 8 – cake flour)
  • 5 gram (1,5 tsp) men nở (instant yeast)
  • 15 gram sữa bột (có thể mua sữa bột nguyên kem ở siêu thị)
  • 40 gram đường
  • 1 nhúm muối (khoảng 2 gram)
  • 30 gram trứng gà (đánh tan 1 quả rồi cân lấy 30 gram, phần còn lại dùng làm nhân dừa)
  • 125 gram sữa tươi không đường
  • 75 gram kem tươi (whipping cream hàm lượng béo tối thiểu 30%)

* Lưu ý về nguyên liệu:

– Nếu không có bột làm bánh ngọt, bạn có thể thay thế bằng bột mì đa dụng hoặc dùng toàn bột bột làm bánh mì.

– Sữa bột là nguyên liệu không bắt buộc nhưng nếu có sẽ thơm ngon hơn nhiều.

– Kem tươi là nguyên liệu quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng và độ mềm của bánh, không thay kem tươi (whipping cream) bằng topping cream. Nếu không có kem tươi có thể dùng toàn bộ sữa tươi nhưng bánh sẽ kém ngon hơn rất nhiều. 

B. Phần nhân dừa

  • 30 gram bơ động vật loại không muối (để mềm ở nhiệt độ phòng)
  • 100 gram dừa tươi nạo sợi, xay nhỏ
  • 30 gram đường bột
  • 20 gram trứng gà (lấy từ phần trứng ở A)

* Lưu ý về nguyên liệu:

– Nên dùng bơ động vật loại ngon vd như Anchor, President, Elle & Vire, không nên dùng các loại bơ thực vật như Meizan hay Tường An.

– Nếu không mua được dừa tươi, bạn có thể thay thế bằng cơm dừa khô, khoảng 70 gram và ngâm dừa này với khoảng 30 – 50 ml nước cốt dừa khoảng 30p trở lên để dừa đỡ khô (dùng lượng cốt dừa vừa đủ, tránh dùng nhiều nhân sẽ bị ướt). Cách này sẽ giúp dừa bớt khô hơn, nhưng sẽ không được ngon bằng dừa tươi nha. 

– Cần dùng đường bột để đường tan vào nhân dễ hơn. Nếu dùng đường kính, bạn nên xay nhỏ đường ra nhé.

Cách làm

A. Phần vỏ bánh

Cách làm bánh mì sữa hokkaido mình đã ghi rất chi tiết trong bài viết này, trong đó có cả những điều cần lưu ý nếu bạn là người mới tập làm bánh mì, các bạn đọc giúp mình nhé:

http://www.savourydays.com/banh-mi-sua-hokkaido-hokkaido-milky-bread/

B. Nhân bánh

Trong lúc đợi ủ bột lần 1 thì tiến hành làm nhân bánh.

  1. Bơ nhạt để rất mềm ở nhiệt độ phòng, đến độ có thể dùng phới miết ra dễ dàng nhưng chưa bị chảy thành nước. Cho toàn bộ cơm dừa xay nhỏ, đường, trứng vào trộn đều.
  2. Để nhân trong ngăn mát tủ lạnh đến khi dùng, nhân cứng lại sẽ thao tác dễ hơn.

 C. Tạo hình

  1. Sau khi bột ủ xong lần 1, ấn xẹp hết bọt khí và chia bột thành các phần bằng nhau, mỗi phần nặng khoảng 90 gram.
  2. Vê bột thành hình tròn có mặt mịn, cán sơ bột thành hình oval, lúc này bột co lại là chuyện bình thường. Tiếp tục cán thêm 2 viên nữa, sau đó quay về cán tiếp viên đầu tiên, lúc này bột đã có thời gian nghỉ và đỡ co hơn.
  3. Cán bột thành hình oval dài 20 cm, rộng 10 cm. Phết 1 lớp nhân dừa mỏng lên ½ chiều rộng miếng bột, để chừa khoảng 1cm mép bột để gói nhân.

Lưu ý:

– Không dùng quá nhiều nhân dừa, khi tạo hình dừa sẽ dễ bị chảy ra ngoài, làm bánh bị biến dạng, không đẹp mắt.

– Không để nhân dính ra mép bột, vì khi có chất béo (ở đây là bơ) thì khi miết 2 mép bột sẽ không dính được vào nhau, làm nhân chảy ra ngoài.

– Sau khi cho dừa vào, cần miết mép bột rất chặt để nhân không chảy ra ngoài.

  1. Sau khi gói nhân, gập đôi bột theo chiều dọc, dùng dao cắt đôi, để chừa 1 phần mép dưới của bột, sau đó tách đôi 2 phần bột ra ta sẽ được hình trái tim. Đặt bánh lên khay có lót giấy nến. Sau khi nướng bánh còn tiếp tục nở nên cần để khoảng trống, tránh việc bánh dính vào nhau. CỤ thể thao tác tạo hình xem tại video.
  1. Cho bánh vào lò nướng (không bật lò), để một cốc nước sôi lớn vào trong lò để tạo độ ẩm, ủ đến khi bánh nở khoảng 80% (khoảng 20 – 25 phút) thì lấy bánh ra khỏi lò, làm nóng lò ở 180 độ C.
  2. Khi lò đã nóng đủ (mất khoảng 15 – 20 phút), đánh tan 1 quả trứng, lọc qua rây, dùng chổi phết 1 lớp trứng mỏng lên bánh. Nướng bánh ở 175 – 180 độ C trong khoảng 15 – 18 phút.
  3. Bánh sau khi nướng để nguội hoàn toàn ở nhiệt độ phòng, sau đó cho vào túi nilon buộc kín, bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 2 ngày và trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 5 – 7 ngày. Khi ăn có thể nướng lại ở 170 độ C trong khoảng 5 – 7 phút bánh sẽ nóng mềm trở lại.