[VIDEO] Cách làm bánh trung thu Tiramisu (cho các bạn mới) – B2B#4

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Chờ
    • 1 giờ
    • Khẩu phần
    • 10 cái cỡ 50 gram
    • Độ khó

Video này mình làm dành riêng cho các bạn newbie với bánh trái, cụ thể là người mới – đang rất muốn làm bánh trung thu nhưng vẫn còn lưỡng lự vì ngại khó, ngại mất công ấy.

Càng gần tới trung thu, càng thấy phong trào làm bánh nướng bánh dẻo tại nhà sôi nổi hơn bao giờ hết. Nhà mình vốn không hảo bánh trung thu đâu. Và ngay cả bản thân mình từ đầu mùa đã nghĩ là sẽ không làm nhiều. Nhưng cuối cùng hàng ngày ra vào Facebook, thấy những chiếc bánh trung thu vàng ruộm, hoa văn sắc nét mà các bạn đăng lên thì lại giống như được truyền cảm hứng, lại muốn xông vào bếp :D

Mình nghĩ có lẽ nhiều bạn cũng có suy nghĩ tương tự như mình: muốn thử sức với món bánh cổ truyền này, nhất là khi thấy mấy đứa bạn làm được, thì tại sao mình lại không nhỉ? ;). Nhưng rồi tới lúc đi tìm công thức, đọc hướng dẫn, đặc biệt là các hướng dẫn siêu dài của SD thì bắt đầu thấy ngại. Quan trọng hơn là cảm giác không chắc chắn: liệu bỏ công ra nhiều như thế, nhỡ hỏng thì làm thế nào?!

Vậy nên mình làm video này để cổ vũ tinh thần cho các bạn đây ;) Vì là dành cho người mới nên mình chọn một món bánh trung thu khá “hiện đại” là bánh Tiramisu, với phần vỏ vị chocolate rất thơm ngon và phần nhân cafe với kem phô-mai ngậy béo. Nếu như bạn không phải là fan của bánh cổ truyền thì nhất định nên thử món bánh này nhé, vẫn có hơi hướng truyền thống nhưng nhờ chocolate, phô-mai và cà phê mà mùi vị hấp dẫn hơn rất nhiều.

Cũng vì là video dành cho người mới, nên mình đã chọn các nguyên liệu cũng như cách làm đơn giản nhất, ít lưu ý nhất, để các bạn không cần phải đọc quá nhiều mà vẫn có thể làm theo và thành công được. Cụ thể là phần vỏ bánh mình chỉ dùng 4 nguyên liệu, không có trứng hay bơ lạc như thông thường (như vậy các bạn không cần mua quá nhiều thứ). Mặc dù không có trứng hay bơ lạc nhưng các bạn yên tâm là vỏ bánh này vẫn rất ngon nhé, đảm bảo mềm, bùi, thơm và không lo bị ướt hay nhão gì cả.

Phần nhân bánh: Mặc dù mình vẫn luôn cổ vũ cho việc tự sên nhân tại nhà, bởi đây là phương án đảm bảo yên tâm về cả hương vị, chất lượng lẫn độ an toàn nhất. Nhưng sên nhân mất khá nhiều thời gian, cần cả dụng cụ và nếu lỡ làm hỏng do chưa quen hay chưa có kinh nghiệm thì sẽ rất phí. Nên trong video này mình phá lệ, dùng nhân sên sẵn. Thật ra trước khi làm video mình có thử một số loại nhân khác nhau đang bán ở Việt Nam. Chất lượng mình nghĩ là ở mức trung bình khá, không dở nhưng chưa thể gọi là xuất sắc. Ưu điểm của các nhân sên sẵn là nhanh, tiện, đóng bánh rất dễ tuy nhiên hương vị thì phải thử mới biết là có vừa miệng hay không. Chẳng hạn như nhân bánh trong video là loại homemade của Abby, mình thấy mùi vị khá ổn, nhân dẻo, rất dễ thao tác, mỗi tội hơi ngọt một chút so với khẩu vị của mình. Tuy nhiên nhân cafe có chút vị đắng nên giúp trung hoà vị ngọt được một chút (ngoài nhân cafe thì Abby có nhân khoai môn và nhân đậu xanh có hương vị khá tốt so với các loại khoai môn khác, kiểu ăn thấy rõ vị đậu chứ không chỉ có hương liệu ấy).

Bánh trong video mình làm loại 50 gram. Hầu hết các bước đều đơn giản và ít có chú ý. Chỉ mất khoảng 1.5 giờ thôi (trong đó tới hơn một nửa thời gian là chờ bột nghỉ, bánh nguội…) là chúng ta có một hộp bánh rất đẹp rồi. Dễ và đơn giản như vậy đấy. Tại sao lại không thử nhỉ?

CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU TIRAMISU

Nguyên liệu

A. Phần vỏ bánh

  • 110 g bột mì đa dụng (xem lưu ý quan trọng ở phía dưới)
  • 20 g bột ca-cao nguyên chất không đường (không dùng bột ca cao pha sẵn như Milo)
  • 80 g nước đường bánh nướng
  • 10 g dầu ăn

B. Phần nhân bánh

  • 250 g nhân đậu xanh vị cà phê
  • 70 g kem pho-mát cream cheese

C. Quét mặt bánh

  • 1 lòng đỏ trứng gà
  • 1/2 lòng trắng trứng
  • 5 – 10 ml nước (1 – 2 thìa nhỏ)
  • 5 ml dầu ăn (1 thìa nhỏ/ 1 tps)

LƯU Ý QUAN TRỌNG VỀ NGUYÊN LIỆU

  1. Bột mì: thời gian này làm bánh trung thu và bánh  mì nhiều mình  mới để ý là có sự khác biệt khá lớn giữa các loại bột dùng ở Việt Nam. Hiện tại mình vẫn đang thử và sau khi thử xong mình sẽ viết bài chia sẻ lại tại website sớm. Nhưng kết luận ở thời điểm hiện tại là cùng 1 loại bột mì đa dụng (số 11), các loại bột do các hãng khác nhau sản xuất có độ hút ẩm CỰC KÌ KHÁC BIỆT. Để làm vỏ bánh ở trên, mình đã thử bột mì 3 bông hồng xanh thì thấy không có vấn đề gì. Meizan có thể sẽ làm cho vỏ bánh hơi ướt, cần thêm khoảng 10 gram bột. Các loại bột khác mình chưa thử với vỏ bánh này nhé.
  2. Với các bạn ở nước ngoài thì mình nghĩ có thể bột vỏ sẽ hơi khô một chút. Nếu khô, các bạn thêm chút dầu ăn vào nhồi cùng là được.
  3. Nếu không kịp mua nước đường, bạn có thể dùng nước đường bán sẵn. Lưu ý nên chọn loại nước đường KHÔNG DÙNG NƯỚC TRO TÀU.
  4. Kem pho-mát có thể thay bằng pho-mai bò cười hoặc mascarpone.
  5. Nếu tự làm nhân cafe thì các bạn dùng công thức nhân bánh trung thu đậu xanh của mình. Sau khi cho hết đường và dầu ăn, bạn cho nước cafe đặc vào trộn đều rồi sên như bình thường là được.

Cách làm

Video cách làm bánh trung thu Tiramisu đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được tại website thì các bạn có thể xem trực tiếp trên YouTube theo link này nhé. Video có chế độ HD, hướng dẫn cách bật HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

 

CÁC BƯỚC LÀM BÁNH & LƯU Ý

A. Làm vỏ bánh

  1. Rây bột mì và bột ca-cao, trộn đều. Bột ở Việt Nam do khí hậu ẩm nên dễ bị vón cục, CẦN RÂY THẬT KỸ.
  2. Vét bột để tạo một khoảng trống ở giữa âu, cho dầu ăn và nước đường bánh nướng. Trộn đều từ trong ra ngoài. Khi nguyên liệu hoà quyện thì dùng tay nhồi nhẹ nhàng tới khi bột quyện thành khối. KHÔNG TRỘN QUÁ KĨ vì làm bột dễ bị dai, khi đóng bánh dễ bị mất vân.
  3. Bọc kín bột với nilon bọc thực phẩm, để nghỉ ở nhiệt độ phòng khoảng 45 – 60 phút. Bột vỏ chocolate khá ẩm và ướt nên cần nhiều thời gian nghỉ để bột dẻo và kết dính, khi cán để bọc bánh sẽ dễ hơn.

B. Chuẩn bị nhân bánh 

  1. Chia nhân cafe thành 10 phần, mỗi phần 25 gram. Chia cream cheese thành 10 phần, mỗi phần 7 gram.
  2. Ấn dẹt nhân cafe, cho cream cheese vào giữa, gói lại và vê tròn.
  3. Lưu ý: nếu trời nóng, nên giữ cream cheese trong ngăn mát hoặc để ngăn đá khoảng 10 phút để cream cheese không bị chảy quá nhanh. Khi thao thác nên chuẩn bị một miếng giấy hay khăn ẩm, lau tay sạch để cream cheese không dính vào nhân cafe.

C. Bọc nhân bánh 

  1. Khi bột bánh đã nghỉ đủ thì chia bột thành 10 phần, mỗi phần xấp xỉ 20 gram
  2. Chuẩn bị mặt phẳng sạch, cây cán bột và ít bột khô. Phủ bột khô lên mặt bàn, xoa lên cây cán để chống dính.
  3. Vê bột bánh thành viên tròn rồi cán dẹt, đường kính rộng khoảng gấp đôi viên nhân. Đặt viên nhân vào giữa miếng bột. Khéo léo gói lại. Áp cho bột sát với nhân để không có không khí/ khe hở giữa vỏ và nhân. Miết các mép nối cho phẳng phiu.
  4. Làm tương tự với các phần nhân và bánh còn lại.

D. Đóng khuôn & Nướng bánh lần 1

  1. Làm nóng lò ở 180 độ C. Chuẩn bị khay nướng có lót giấy nướng bánh.
  2. Chuẩn bị khuôn bánh cỡ 50 gram (khuôn mình dùng là loại lò xo, mua ở ĐÂY). Chuẩn bị một ít dầu ăn và chổi quét.
  3. Dùng chổi quét một ít dầu vào khắp lòng khuôn để chống dính.
  4. Ấn bột vào khuôn. Đặt khuôn lên mặt bàn. Một tay giữ chặt khuôn, tay còn lại ấn mạnh và dứt khoát. Ấn thêm một lần nữa để nhả bánh ra khỏi khuôn. Để bánh lên khay nướng. Làm tương tự với các bánh còn lại.
  5. Nướng bánh ở rãnh giữa của lò, nhiệt 175 độ C trong khoảng 8 phút (tới khi nhìn vỏ bánh khô ráo, đục) rồi lấy ra. Xịt nước rồi để bánh nguội khoảng 15 – 20 phút.

E. Quét trứng & nướng bánh lần 2 

  1. Pha các nguyên liệu trong hỗn hợp quét mặt bánh rồi LỌC QUA RÂY.
  2. Khi bánh đã nguội, dùng chổi mềm, quét một lớp MỎNG lên mặt và thành bánh. Lưu ý, không để trứng đọng ở các rãnh trên mặt bánh.
  3. Làm nóng lò ở 180 độ C. Cho bánh vào nướng ở 175 – 180 độ C trong khoảng 5 – 6 phút, tới khi vỏ bánh khô ráo. Lấy bánh ra khỏi lò. Để nguội rồi bảo quản ở nơi thoáng mát. Nếu để trong túi kín thì cần có túi hút ẩm. Nên dùng trong 2-3 ngày vì cream cheese không phải là sản phẩm có thể để được lâu ở nhiệt độ nóng.

* CÁC LƯU Ý KHI LÀM VÀ NƯỚNG BÁNH 

  1. Nếu khi cán bột để gói bánh mà bột vẫn còn bở và ướt thì thêm một chút bột khô rồi để bột nghỉ thêm 15 – 20 phút. Nếu bột quá khô và khó cán mỏng, dễ vỡ thì thêm chút nước hoặc sữa, nhào đều tới khi bột dẻo rồi dùng.
  2. Nếu nhân kem pho-mát bị chảy nhiều thì nên để lại vào tủ lạnh cho pho-mát cứng lại rồi mới làm tiếp.
  3. Vỏ bánh này khá mỏng nên nướng lần thứ 1 là đủ chín. Lần thứ 2 để giúp cho vỏ bánh bóng đẹp và khô ráo hơn. Hỗn hợp trứng giúp cho vỏ bánh bóng. Tuy nhiên các bạn có thể bỏ qua bước này, chỉ phun nước (nên pha chút rượu Rum cho thơm), nếu muốn vỏ bánh có kiểu khô giống như bánh trong video sau lần nướng thứ 1.
  4. Hỗn hợp quét trứng này chủ yếu giúp cho bánh bóng nên không cần nhiều nguyên liệu như khi làm bánh trung thu cổ truyền (cần mặt bánh có màu nâu vàng đẹp).
  5. Nhiệt độ nướng có thể thay đổi tuỳ theo lò. Không nên nướng ở nhiệt quá cao hay quá lâu sẽ dễ làm bánh bị cháy và mất màu nâu đen rất đẹp của chocolate (thay vào là màu xám trắng kiểu bị bạc phếch).
  6. Nếu sau khi để nguội mà vỏ bánh quá mềm hay dính thì bật lò ở 110 độ C, cho bánh vào nướng (sấy) khoảng 8 – 10 phút. Bước này giúp hơi nước bay hơi bớt, vỏ bánh sẽ khô cứng hơn.