Xôi xéo

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Khẩu phần
    • 2 - 3
    • Độ khó

Hồi xưa, cụ thể là cái hồi mà mình chỉ biết nấu cơm bằng nồi cơm điện, luộc rau và đặt lên bếp những thứ mà mẹ mình đã chuẩn bị & ướp sẵn.. Túm lại là cái thời đảm đang như cô Cám ấy, mình cực hâm mộ các chị em nào mà biết nấu xôi nhé! Hồi đấy với mình xôi là một thứ gì đó rất cầu kì và đòi hỏi cực nhiều kĩ năng cũng như kinh nghiệm nấu bếp. Đặc biệt là lúc đi ăn cỗ hoặc ăn chực ở nhà khác mà thấy các chị em tự nấu được mấy thứ xôi bán ở ngoài hàng chẳng hạn như là xôi vừng dừa, xôi gấc.. thì phải nói là ngưỡng mộ thôi rồi luôn ý.

Trong số các loại xôi ở nhà thì xôi xéo là loại mà mình luôn nghĩ là nấu cực khó, cực cực khó.. Làm thế nào để hạt xôi mềm dẻo và vàng óng ả, rồi đậu xanh làm thế nào mà thành được từng nắm tròn vo mịn màng thế, rồi thì lại còn cả hành phi giòn tan nữa chứ. Thật là phức tạp và khó nhằn!

Thế roài, sự đời thay đổi, giờ loại xôi mình nấu “pờ-rồ” nhất lại là xôi xéo. Có 1 nguyên nhân to đùng, là bạn trai nhà mình thích ăn xôi xéo, rất thích, rất rất thích. Hầu như lần nào sang Berlin mình cũng nấu, nên dần dần lên tay thấy rõ. Nấu xôi xéo hóa ra là cũng không khó như mình tưởng. Thậm chí có thể nói là dễ, bởi vì ở đây mình không có chõ đồ xôi, mình cũng không có cái gì để giã hay xay đỗ, nhưng nói chung vẫn có thể nấu được khá ngon lành, không khác ở nhà mấy :)

IMG_1179

Nguyên liệu

  • 300 g Gạo nếp
  • 100 g Đậu xanh đã cà vỏ
  • Hành khô hoặc hành tím
  • Da gà & mỡ gà
  • Bột nghệ, muối 

Cách làm

1. Nấu xôi bằng nồi cơm điện:

– Nấu xôi bằng nồi cơm điện không cần phải ngâm gạo nếp trước. Công đoạn quan trọng nhất là cho nước. Lượng nước thế nào là tùy loại gạo nhưng nguyên tắc chung là cho thật ít nước, thường chỉ xâm xấp mặt gạo. Mình hay đổ nước cao hơn mặt gạo khoảng 3-5 mm, đã nấu thử với 3 loại gạo khác nhau và không thấy có vấn đề gì. Các bước cụ thể là:

– Gạo vo sạch cho vào nồi cơm điện, cho nước & thêm 1 nhúm muối với 1 thìa café bột nghệ. Khuấy đều cho bột nghệ hòa tan trong nước.

– Bật nút nấu cơm như bình thường. Khi nồi cơm chuyển sang chế độ Warm (hâm nóng) thì lấy muôi hoặc đũa xới đều. Đậy nắp vung và đợi thêm khoảng 15-20 phút cho xôi chín đều bằng hơi nóng trong nồi.

2. Nấu đậu xanh

– Đậu xanh đãi sạch, ngâm trước vài tiếng, hoặc qua đêm.

– Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước xâm xấp, đun ở lửa vừa, đợi nước sôi thì hạ lửa, thỉnh thoảng quấy đều tay cho đậu chín mềm. Đợi đậu chín mềm thì trộn với muối cho vừa ăn. Cho vào máy xay hoặc cối giã mịn. Nhà mình ko có cả máy xay lẫn cối nên mình lấy muôi múc canh lớn để nghiền, vì đậu đã ngâm và luộc chín mềm rồi nên nghiền cũng nhanh, không mất nhiều thời gian lắm.

– Khâu này nếu có chõ hấp thì sẽ rất đỡ vì luộc đậu xanh thì lúc nước gần cạn hết sẽ phải nghiền và quấy đều tay đến khi nước cạn, nếu không sẽ dễ bị khê.

– Nếm lại đậu sau khi nghiền mịn, thêm muối nếu cần. Trong lúc đậu còn ấm thì nắm thành các nắm tròn bằng nắm tay. Lưu ý là nắm đậu khi đậu còn ấm thì viên đậu sẽ kết dính tốt hơn, lúc thái mỏng ra khi ăn cũng không sợ viên đậu bị vỡ.

02

3. Phi hành

– Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng vừa phải và đều nhau. Không nên thái quá mỏng, khi phi hành sẽ dễ bị cháy và hành kém giòn. Phơi cho hành khô một chút. Có thể thái hành từ trước và để qua vài tiếng hoặc qua đêm cho hành khô, phi sẽ nhanh hơn.

– Rắc một chút bột năng lên hành, xóc đều.

– Cho dầu vào chảo, để lửa to, đợi dầu nóng già thì cho hành vào. Lập tức hạ lửa nhỏ. Lưu ý là dầu phải đủ ngập hành, nên tốt nhất là dùng nồi con hoặc chảo sâu lòng để tiết kiệm dầu  :D

03

Thi thoảng đảo đều tay cho hành chín đều. Ngay khi thấy hành chuyển sang màu vàng nâu nhạt thì tắt bếp. Múc hành ra giấy thấm dầu, hoặc dùng rá/muôi có lỗ để đựng hành (để bát ở dưới hứng dầu chảy xuống). Để cho hành tự khô & chuyển sang màu nâu đẹp.

Một vài lưu ý trong khi phi hành: 
– Không để lửa quá to, hành dễ bị cháy & không giòn.
– Bột năng là để cho hành giòn, nhưng khi rắc bột năng hành phải thật khô, nếu không bột sẽ dễ bị vón cục.
– Dùng mỡ phi hành thì ngon hơn dầu ăn, đặc biệt là mỡ gà. Sau khi phi hành xong nhớ giữ lại phần mỡ để ăn với xôi.
– Muốn hành giòn và để được lâu thì phải đợi cho hành thật ráo dầu. Bảo quản bằng lọ có nắp đậy kín hoặc túi có khóa kéo kín.

Đây là toàn bộ số kinh nghiệm của bản thân cũng như đi học được từ các chị trên WTT. Viết ra để dành thế thôi chứ ở bên này trong siêu thị bán sẵn hành phi nhiều lắm, rẻ, tiện mà ngon nữa ;)

4. Mỡ gà

01

Thường mỗi khi nhà có món gà, đặc biệt là đùi gà thì mình hay lọc lấy phần da và mỡ cất vào ngăn đá, đợi có dịp như nấu xôi xéo thì mang ra rán lấy mỡ. Khi rán thì cả nhà lưu ý là dùng chảo không dính và nên bắc chảo lên bếp trước cho chảo thật khô, rồi tiếp theo mới cho da & mỡ gà vào rán. Gà công nghiệp ở bên này thường rất nhiều mỡ, nên có khi được cả bát. Mỡ rán nếu dùng không hết trong 1 lần có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, hoặc cất trong tủ lạnh. Lần sau cần lại làm nóng lên. Dùng mỡ này để làm hành phi cũng rất thơm và ngon.

Thật ra thì mình không thấy có nhiều chị em đề cập đến mỡ gà khi ăn xôi xéo, mà thường dùng mỡ lợn hoặc dầu ăn phi hành để thay thế. Nhưng quả thật, với mình, xôi xéo mà thiếu mỡ gà thì kém ngon đi nhiều lắm. Từ cái màu vàng óng mượt, cho đến mùi thơm rất đặc trưng của mỡ gà rán, thơm mà không khét, không ngấy, khó có loại dầu mỡ nào có thể so sánh hay thay thế được.

5. Măm măm

Đơm xôi ra bát hoặc đĩa. Tiếp theo lấy dao sắc thái từng lát đỗ xanh mỏng phủ lên mặt xôi. Rắc hành phi. Cuối cùng là rưới mỡ gà lên xôi và thưởng thức thôi :)